Tìm vốn cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo dự thảo Đề án “Sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tổng vốn đầu tư cho Đề án lên tới 500 triệu USD, trong đó 70% là nguồn vốn xã hội hóa… Song song với việc hoàn chỉnh và trình Chính phủ ban hành, Bộ NN&PTNT đang tìm kiếm các nguồn tài chính cho Đề án.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được kỳ vọng đem lại nhiều kết quả tích cực.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được kỳ vọng đem lại nhiều kết quả tích cực.

Đề án đa mục tiêu

Tại Hội thảo tham vấn các đối tác quốc tế và các tổ thức tín dụng (TCTD) về dự thảo Đề án “Sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, dự kiến trong tháng 4 này Bộ sẽ trình Đề án lên Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu (BĐKH) là hết sức cần thiết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, việc chuyển đổi 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao tương đương khoảng 50% diện tích lúa ĐBSCL hiện nay. Lộ trình xác định, đến năm 2024, đề án có thể bán tín chỉ carbon ở 200.000ha lúa và sau đó nhân rộng.

Với đa mục tiêu đặt ra cho Đề án, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lường trước sẽ đầy khó khăn, thách thức, nhất là khi diện tích vùng chuyên canh lớn của ĐBSCL hiện còn hạn chế và việc thay đổi thói quen canh tác không phải chuyện “ngày một, ngay hai”. “Để làm được điều này, cần nhiều nguồn lực. Nếu chỉ dùng ngân sách thì không thể đủ. Do đó, đòi hỏi huy động nguồn lực xã hội, các tổ chức quốc tế, các TCTD. Nguồn lực sẽ tập trung vào các chủ thể chính của đề án là nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN), để xây dựng chuỗi giá trị bền vững…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở.

Huy động tối đa nguồn lực

Theo dự thảo Đề án, với suất đầu tư bình quân 1 ha lúa chất lượng cao là 12 triệu đồng, tổng đầu tư năm 2023 - 2030 là khoảng 12.000 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD). Trong đó, vốn ngân sách 3.000 tỷ đồng, chiếm 25% (125 triệu USD); vốn xã hội hóa 8.400 tỷ đồng, chiếm 70% (350 triệu USD); vốn hợp pháp khác 600 tỷ đồng, chiếm 5% (25 triệu USD).

Về vốn ngân sách thực hiện đề án, Bộ NN&PTNT dự kiến nguồn vốn này được lồng ghép trong các chương trình, dự án của TW và địa phương, với mục đích chính cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đào tạo và tập huấn cho HTX và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, HTX và DN tham gia liên kết.

Vốn xã hội hóa bao gồm vốn của các DN, nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế đã đưa ra những đề xuất hỗ trợ về mặt tài chính, các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) ở vùng chuyên canh để định lượng mức giảm phát thải, làm cơ sở đăng ký chứng nhận sản phẩm gạo carbon thấp.

Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cho biết đã phối hợp với Cục Trồng trọt triển khai dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL”. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA trị giá 15 triệu USD là đòn bẩy để huy động đầu tư của khu vực tư nhân trong đẩy mạnh công nghệ sản xuất lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tính đa mục tiêu, đa giá trị của dự án. Qua khảo sát, các DN trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL cam kết triển khai từ 200 -300.000ha đất lúa chất lượng cao. “Chúng tôi mong muốn dự án này sẽ gắn với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao...” - đại diện SNY nói.

Ông Li Guo, Điều phối viên Chương trình quốc gia về nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, vốn của các cơ quan phát triển quốc tế có thể sử dụng cho xây dựng hạ tầng. Áp dụng các thành tựu từ dự án VnSat vào Đề án, WB mong muốn Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính có yêu cầu rõ ràng với WB về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và đề xuất các hỗ trợ hạ tầng. Và khi có thư đề xuất chính thức, Đề án sẽ nằm trong danh mục ưu tiên của WB. Ông Li Guo cũng chia sẻ, WB có khoảng 120 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án này.

Cùng quan điểm, đại diện Ngân hàng Agribank cho biết nhà băng này luôn xác định nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực hoạt động truyền thống, nông dân là bạn đồng hành. Do đó, Agribank rất ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, coi đây là cơ hội đóng góp vào Đề án cũng như mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lãi suất cho vay nông nghiệp nông dân xuất khẩu lúa gạo luôn thấp vì đây là đối tượng ưu tiên, do đó việc cân đối vốn rất khó khăn.

Đọc thêm