Theo đó, trong báo cáo thường niên của mình, SIPRI đã so sánh xuất khẩu vũ khí ở giai đoạn 2019-2023 với giai đoạn 2014-2018 và nhận thấy một số thay đổi đáng kể.
Báo cáo cho hay, trong giai đoạn 2019-2023, xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng thêm 17% so với giai đoạn 2014-2018. Tỷ trọng của nước này trong tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu đã tăng từ 34% lên 42%. Từ năm 2019 đến năm 2023, Mỹ đã chuyển giao vũ khí lớn cho 107 quốc gia.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu gần như tăng gấp đôi lượng nhập khẩu vũ khí (cụ thể là 94%) trong giai đoạn 2019-2023.
Theo SIPRI, lượng nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu tăng mạnh trong 5 năm qua là do nguồn cung cấp cho Ukraine.
“Ukraine đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu trong giai đoạn 2019-2023 và lớn thứ tư thế giới sau khi ít nhất 30 quốc gia đã cung cấp vũ khí dưới dạng viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2/2022”, báo cáo cho hay.
Thị phần nhập khẩu vũ khí toàn cầu của Ukraine là 4,9%, tăng mạnh so với chỉ 0,1% trong năm 2014-2018. Mức tăng trưởng nhập khẩu quân sự của Ukraine trong giai đoạn này đạt mức kỷ lục 6.633%.
Theo báo cáo, Pháp chiếm vị trí thứ hai trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, thay thế Nga.
Xuất khẩu vũ khí của Pháp tăng 47% và thị phần của nước này trong nguồn cung toàn cầu tăng lên 11% trong giai đoạn 2019-2023 (ở giai đoạn 2014-2018 là 7,2%).
Sự gia tăng xuất khẩu vũ khí của Pháp phần lớn là do việc chuyển giao các máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.
Nga xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp vũ khí toàn cầu. Từ năm 2019 đến năm 2023, xuất khẩu vũ khí từ Nga gần như giảm một nửa, ở mức 53%. Thị phần nguồn cung toàn cầu của Nga giảm 10%, ngang bằng với Pháp.
Báo cáo cũng cho hay, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với lượng vũ khí nhập khẩu tăng thêm 4,7% trong giai đoạn 2014-2018 và 2019-2023.