"Công cụ" hỗ trợ thoát nghèo
Suốt hơn 20 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Kết hợp cùng các chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành triển khai nhiều giải pháp phù hợp với từng huyện, xã, đồng thời tập trung mọi nguồn lực.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được xem như “trụ cột” ưu tiên đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, qua đó giảm dần tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.
|
NHCSXH Bắc Giang đẩy mạnh cho vay vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã. |
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm. Tính đến nay (giai đoạn 2021-2023), tỉnh luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu khi đạt mức giảm 1,32%/năm. Không chỉ duy trì kết quả tích cực về giảm nghèo, tính bền vững cũng được cải thiện rõ rệt: tỷ lệ tái nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020 là 0,64%, đến giai đoạn 2021-2023 đã giảm còn 0,39%. Trong đó, huyện Sơn Động – một trong 64 huyện nghèo nhất cả nước – ghi nhận mức giảm hộ nghèo bình quân 5%/năm giai đoạn 2020-2023; riêng năm 2023, con số này đạt 5,23%, vượt mục tiêu đề ra (4%).
Bà Tống Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động khẳng định, cùng với các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, việc quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “đòn bẩy” khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, hướng đến cuộc sống no đủ, tươi sáng cho địa phương.
Thực tế cho thấy, quá trình triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là Nghị định 78/2020/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đã tạo bước chuyển mới cho toàn bộ hoạt động tín dụng chính sách. Sự thay đổi này đóng góp thiết thực vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh trung du nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
|
Bắc Giang cho vay vốn chính sách tại Điểm giao dịch xã. |
Ông Hà Quốc Quân - Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Đảng Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang cho biết: Từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn đồng lòng thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển vốn ưu đãi về tận làng xã, giúp hộ nghèo và đồng bào dân tộc khó khăn tiếp cận dịch vụ tín dụng. Chi nhánh cũng nhận được quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo địa phương, đặc biệt sau khi quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW, qua đó bổ sung thêm vốn ngân sách cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay phát triển sản xuất.
Nhờ vậy, dù chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, NHCSXH Bắc Giang vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo. Tinh thần năng động, kiên trì của cán bộ tín dụng cùng sự chỉ đạo chặt chẽ của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương đã trở thành “chìa khóa” giúp NHCSXH triển khai “mục tiêu kép”: vừa phòng chống thiên tai, dịch bệnh hiệu quả, vừa huy động vốn phục vụ giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tính đến hết năm 2024, Bắc Giang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành vượt kế hoạch cả về chất lượng và tiến độ. Tổng nguồn vốn đạt 7.816 tỉ đồng, tăng 797 tỉ đồng so với năm 2023; riêng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 353,2 tỉ đồng.
Người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số ngày càng vững tin vào đường lối của Đảng
Sau 10 năm thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 40-CT/TW, trong năm 2024, tỉnh đã bố trí 85,1 tỉ đồng, hoàn thành 243% kế hoạch trung ương giao. Đáng chú ý, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã bố trí 17,4 tỉ đồng ủy thác sang NHCSXH cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023, dẫn đầu cả nước về nguồn vốn cho chương trình tín dụng mới này. Đến cuối năm 2024, quy mô tín dụng toàn tỉnh chạm mốc 7.763 tỉ đồng, tăng 758 tỉ đồng so với năm 2023 và xếp thứ 7 toàn quốc về tăng trưởng dư nợ; riêng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lục Ngạn có dư nợ trên 1.000 tỉ đồng, nằm trong tốp 3 đơn vị cấp huyện dẫn đầu hệ thống NHCSXH năm nay.
|
Vốn chính sách giúp nhân dân vùng trung du Bắc Giang phát triển sản xuất kinh doanh , cải thiện cuộc sống , giảm nghèo bền vững. |
Đi đôi với mức tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng nâng cao (với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,076%/tổng dư nợ), tổng doanh số cho vay năm 2024 của NHCSXH Bắc Giang là 2.005 tỷ đồng, với 30.536 lượt khách hàng vay vốn, bình quân 65 triệu đồng/1 khách hàng cũng vượt kế hoạch cả năm.
Thông qua 209 Điểm giao dịch tại 209 xã, phường thị trấn và hệ thống 3.114 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn, bản, tổ dân phố với phương châm “giao dịch tại nhà, thu nợ tại xã”.
Những đồng vốn tín dụng từ NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã giúp trên 30 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.365 lao động; xây mới và sửa chữa 26.406 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; giúp 118 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; giúp 265 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm… Những con số về tỷ lệ hộ nghèo 1,73% giảm 0,9% so với năm 2023; 159/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có được kết quả trên là nhờ mạng lưới hoạt động rộng khắp của NHCSXH, khi nguồn vốn liên tục được chuyển về các Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) tại từng thôn, bản. 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách đủ điều kiện đều tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
|
Nhờ nguồn vốn tín dụng nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. |
Đơn cử, bà Đỗ Thị Hiền (thôn An Hà, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động) nhận 50 triệu đồng vốn vay và tham gia dự án trồng 2.000 cây keo trên diện tích 1,3 ha; nhờ đó, bà đã sớm tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Chị Trịnh Thị Hương (xã Vân Hà, thị xã Việt Yên) mở rộng xưởng bánh đa nem xuất khẩu sang Nga; anh Hoàng Viết Hiệp (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang) sử dụng vốn vay giải quyết việc làm để phát triển trang trại lợn, mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Tại huyện Hiệp Hòa, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Cẩm, xã Lương Phong) và ông Hà Văn Huy (thôn Đông, xã Đoan Bái) vay hàng trăm triệu đồng mở xưởng mộc, chăn nuôi bò, thoát cảnh nghèo khó, xây được nhà mới khang trang.
Những thành công này khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH là “trụ cột” trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên vùng đất trung du Bắc Giang. Người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách.
NHCSXH tỉnh Bắc Giang cũng đang tích cực thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, góp phần đưa Bắc Giang phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc.