Tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế vượt khó, thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) ưu đãi nói chung và các chương trình tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói riêng, thời gian qua đã tiếp sức cho người dân tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở; đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, ổn định kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Thừa Thiên Huế có 02 huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và 03 huyện, thị xã có đồng bào DTTS (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà). Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc có 121.248 người/24.657 hộ, trong đó DTTS 54.062 người chiếm 45,43% so với dân số toàn vùng đồng bào DTTS, chiếm 4,9 % so với dân số toàn tỉnh.

Trong đó, A Lưới là một huyện nghèo của tỉnh với 18 xã, thị trấn nhưng có đến 12 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, với 78% người dân là đồng bào các DTTS. Những năm qua, với nguồn vốn TDCS ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào DTTS.

Bà Lữ Thị Sum, thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh, huyện A Lưới (người dân tộc Thái) được xem như một điển hình. Thiếu đất sản xuất lại không có nghề nghiệp ổn định nên trước đây bà Lữ Thị Sum phải đi làm thuê đủ nghề, song vẫn không thoát được nghèo. Được sự giới thiệu từ Hội Nông dân xã, bà tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư phát triển 1ha rừng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế rừng có nguồn thu nhập dài hạn nên kinh tế trong ngắn hạn vẫn khó khăn.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện A Lưới giải ngân cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện A Lưới giải ngân cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn.

Để có thu nhập giải quyết các nhu cầu tại chỗ cho gia đình, bà đăng ký theo học các lớp đào tạo chăn nuôi do Hội Nông dân và các cơ quan ban ngành tổ chức, đầu tư mua thêm 2 cặp dê làm giống. Học được các kiến thức chăn nuôi nên đàn dê phát triển tốt, đến tháng 7/2023, bà tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi từ NHCSXH huyện A Lưới đầu tư thêm đàn dê, nâng tổng đàn lên 15 con, cơ bản giải quyết các nhu cầu thu nhập trong ngắn hạn của gia đình.

Bà Sum chia sẻ, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn để sản xuất nên khi được cán bộ NHCSXH hướng dẫn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 để phát triển chăn nuôi tôi thấy rất phấn khởi. Chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi chỉ 3,3%/năm, thời hạn vay 10 năm nên tôi có thể yên tâm tập trung phát triển kinh tế.

Không riêng gì bà Sum, mà nhiều gia đình đồng bào tại huyện A Lưới đang được vay vốn tín dụng chính sách để tiếp sức trong chặng đường vươn lên thoát nghèo. Bà Trần Thị Đơn, thôn Diên Mai, xã A Ngo (huyện A Lưới) cho biết, gia đình bà vốn thuộc hộ nghèo của xã, cái nghèo đeo đẳng tưởng chừng khó có thể thoát nghèo, nhưng với sự đồng hành của TDCS, sự sát cánh của các hội đoàn thể đã tạo nên bước chuyển mới cho gia đình.

Bà Đơn chia sẻ, muốn đầu tư phát triển kinh tế điều quan trọng nhất là vốn, mà nhìn vào căn nhà dột nát (như lúc mới vay vốn) chẳng ai dám cho mình vay mượn. Cho đến khi tiếp cận được nguồn vốn TDCS từ NHCSXH, gia đình mới đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích rừng. Nhờ đó, từ một hộ 3 không (không nhà cửa an toàn, không thu nhập, không việc làm) đến nay gia đình đã trở thành gia đình 3 có (có nhà cửa khang trang, có thu nhập ổn định, con cái được học hành).

Cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi...

Cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi...

Theo bà Đơn, nếu không có sự đồng hành cởi bỏ tư tưởng ngại đầu tư, ngại phát triển của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; các tổ chức chính trị xã hội và sự hỗ trợ tận tình của cán bộ NHCSXH thì không biết bao giờ kinh tế gia đình mới “khởi sắc” như hôm nay.

Còn tại huyện Nam Đông, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã được chuyển tải đến hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông, tính đến nay, toàn huyện đã có 1.969 hộ dân tộc thiểu số vay vốn từ các chương trình cho vay với tổng dư nợ 120.152 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã thường xuyên phối kết hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến xã chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời về tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Hiện nay toàn tỉnh có 24 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 28/11/2023, có 12.653 hộ còn dư nợ (người DTTS chiếm 9.695 hộ), với tổng dư nợ 710.713 triệu đồng. Trong giai đoạn 2021-2023 đã có 3.200 lượt hộ ở khu vực các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi được vay vốn để cải tạo và xây dựng mới 3.200 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia và hơn 3.100 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, hơn 2.000 lượt hộ tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi được vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đây thực sự là công cụ phục vụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn hiện nay.

Với việc đầu tư các nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cải thiện đời sống, ăn ở, đi lại, học hành, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tín dụng đen trên địa bàn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, các tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, góp một phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS trong toàn tỉnh.

Đọc thêm