Tín dụng chính sách góp phần đưa Kiên Giang khởi sắc toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kiên Giang - miền đất tận cùng phía tây nam của Tổ quốc - có sự khởi sắc về bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, có phong trào xây dựng nông thôn mới rầm rộ, nổi bật là thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Những kết quả này, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, có phần đóng góp lớn, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Tín dụng chính sách góp phần đưa Kiên Giang khởi sắc toàn diện

Đúng như báo cáo tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002 của Chính phủ, trong thời gian qua, 21 chương trình tín dụng do Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang thực hiện đã đạt nhiều kết quả thiết thực, nhất là đã tham gia tích cực công cuộc xóa đói giảm nghèo trên toàn địa bàn, trở thành một lực đẩy giúp người dân từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Minh chứng rõ rệt về gia đình chị Nguyễn Thị Diễm ở ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh là người đầu tiên mạnh dạn vay vốn ưu đãi của chương trình tín dụng hộ nghèo tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Quốc trước đây, nay là thành phố biển đảo đầu tiên của nước ta đã đầu tư làm chuồng trại, nuôi 10 con heo thịt và 1000 con gà, vịt ấp trứng, để đến nay thoát hết cảnh nghèo túng, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Từ ngoài đảo xa đến miền biên viễn, người dân đều được tiếp cận thuận lợi với đồng vốn ưu đãi, bởi NHCSXH xã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể sáng tạo những cách làm hay để nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đơn cử về xã Định Hóa, huyện Gò Quao, nơi có gần 70% dân số là người Khmer, nhờ dòng vốn ưu đãi của NHCSXH chảy về đều đặn mà thế mạnh nông, lâm nghiệp được lựa chọn, đồng bào dân tộc thiểu số hăng say lao động tạo nguồn thu cho mình. Cụ thể năng suất lúa đạt 8,5 tấn/ha/vụ; nhiều vườn tạp được cải tạo để trồng hồ tiêu, cây ăn quả cam, chanh, thu nhập tới 300 triệu đồng/ha.

Huyện biên giới Giang Thanh có tỷ lệ hộ nghèo là người Khmer cao, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp tiến hành sắp xếp củng cố mạng lưới Tổ TK&VV theo hướng liền canh, liền cư, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã, các hội đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác và chuyển tải kịp thời an toàn, nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS.

Những hộ nghèo và những miền quê khó khăn ấy không chỉ là địa chỉ hấp thụ vốn ưu đãi cao mà đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến nhanh vào đời sống của người dân vùng sông nước Nam Bộ, tạo nên những bước đột phá trong công tác giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở Kiên Giang.

Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt cho biết: Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội, đến nay tổng nguồn vốn đạt 4.468,6 tỷ đồng tăng 4.377,7 tỷ đồng so với năm 2002. Đặc biệt chỉ thị 40/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, đưa nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 323,98 tỷ đồng, chiếm 7,25% tổng nguồn vốn.

Toàn bộ nguồn vốn chính sách đó đã được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang chuyển tải về tận làng quê, đến từng đối tượng thụ hưởng thông qua 144 Điểm giao dịch xã và 3.229 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại xóm, ấp.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho trên 922 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp cho trên 89 ngàn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 158 ngàn lao động; hỗ trợ trên 2 ngàn người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 252 ngàn công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 60 ngàn em HSSV được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng….; hỗ trợ trên 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho HSSV; hỗ trợ xây dựng trên 23 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 100 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 9,78% xuống còn 1,91% giai đoạn 2016-2020.

Con đường giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn thách thức ở phía trước, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương cần lồng ghép, gắn kết sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách với các mô hình, chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; phối hợp hiệu quả giữa các chương trình khuyến công, khuyến nông với tín dụng chính sách.

Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, tránh trục lợi. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến người dân, để Kiên Giang khởi sắc toàn diện.

Đọc thêm