Để có bước chuyển mình mạnh mẽ trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền, sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội và tập trung huy động mọi nguồn lực, trong đó coi trọng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hướng vào phục vụ dân, sát dân, triển khai thực hiện sâu rộng các chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hưng Yên - bà Chu Thị Bích Lan cho biết: Trong suốt 21 năm qua, toàn đơn vị luôn đồng tâm, dốc sức tham gia thực hiện công cuộc phát triển kinh tế bảo đảm an sinh xã hội thông qua những việc làm cụ thể như tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn tín dụng chính sách về tận làng xã, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phong trào xây dựng nông thôn mới tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Hưng Yên.
Nhờ sự nỗ lực đó mà NHCSXH Hưng Yên luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao thêm nhiều chương trình tín dụng và bổ sung tăng nguồn vốn hoạt động. Tính đến mùa xuân 2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH Hưng Yên đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng 597 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn là 210,7 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 49,2% so với cuối năm 2020, bởi có sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, theo Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Toàn bộ nguồn vốn chính sách do huy động tạo lập được cùng dòng vốn ngân sách của địa phương bổ sung, ủy thác đã được NHCSXH Hưng Yên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội các cấp hướng dẫn và triển khai các văn bản về hoạt động ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng hệ thống điểm giao dịch xã và mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn ưu đãi.
Trong năm 2023, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã đạt doanh số cho vay hơn 1.000 tỷ đồng. Qua đó giúp 5.292 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho 12.579 lao động; giúp 3.400 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập; hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng cải tạo 20.064 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp đỡ 47 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm hòa nhập với cộng đồng dân cư.
Nhìn lại chặng đường hoạt động của NHCSXH đã đi đúng hướng kịp thời, hiệu quả. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phát huy những kết quả đạt được, để chính sách tín dụng tiếp tục đóng góp hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội NHCSXH tỉnh Hưng Yên tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát tại cơ sở để bảo đảm sự an toàn của nguồn vốn, cho vay vốn đúng đối tượng, đúng mục đích. Quy trình cho vay bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng quy định.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, chuyển biến mạnh mẽ, xứng đáng là công cụ đắc lực cho địa phương khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đất phù sa, màu mỡ giữa Đồng bằng Bắc Bộ, phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Năm 2024 và những năm kế tiếp, NHCSXH Hưng Yên kiên trì bám sát các nghị quyết, văn bản hướng dẫn của ngành, tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tập trung huy động nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, trong đó chú trọng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể ban, ngành, bảo đảm cho mọi người dân có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, công khai, để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, dựng xây cuộc sống mới no đủ, văn minh.