Tín dụng chính sách với thanh niên: Góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước

(PLVN) -  Hơn 20 năm hình thành và phát triển, từ 3 chương trình tín dụng chính sách thuở sơ khai đến nay là hệ thống 22 chương trình tín dụng đang được NHCSXH tích cực triển khai, đã và đang góp phần phát huy sức mạnh cho thanh niên Việt Nam trong giai đoạn “dân số vàng” chủ động trong học tập, có khát vọng, ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp; tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội; góp phần hình thành thế hệ công dân Việt Nam toàn cầu mới với năng lực, tự tin và hành trang hội nhập tốt.
Anh Lê Trường Tùng (ngoài cùng, bên phải) - Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành khởi nghiệp thành công nguồn vốn chính sách. Ảnh: Hải Minh
Anh Lê Trường Tùng (ngoài cùng, bên phải) - Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành khởi nghiệp thành công nguồn vốn chính sách. Ảnh: Hải Minh

Nhìn lại 6 trụ cột chính sách đối với thanh niên, hiện nay có thể thấy NHCSXH đang góp phần thực hiện 3 trụ cột chính sách lớn là: Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học; Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về lao động, việc làm; Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về khởi nghiệp.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cho biết 15 năm phối hợp với NHCSXH thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, tính đến cuối năm 2022 đã giúp cho trên 3,8 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập với doanh số cho vay là 71.408 tỷ đồng cho hơn 3,8 triệu lượt HSSV).

Tính đến tháng 2/2023, dư nợ cho vay chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt 12.431 tỷ đồng, với 296.988 hộ đang vay. Đối với chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn COVID-19, dư nợ chương trình đến hết tháng 2/2023 là 823,8 tỷ đồng, với 56,229 khách hàng vay.

Bà Ngô Thị Lan ở khu 6, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, chồng mất từ khi 3 con còn nhỏ, lúc đó đứa lớn nhất mới học lớp 6, đứa thứ hai mới học lớp 4, đứa thứ ba thì còn nhỏ. Cuộc sống của bà đã vơi bớt khó khăn khi năm 2005 được tiếp cận nguồn vốn vay 15 triệu đồng của NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò từ chương trình cho vay hộ nghèo. Tuy nhiên, bà sẽ chẳng thể cho con gái đầu đi học Đại học Y Hà Nội nếu không có nguồn vốn cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi đã làm đơn đề nghị với Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn để vay cho con gái lớn của tôi là Lê Thị Huệ - lúc đó cháu thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội (tổng số tiền được vay qua các năm là 47,6 triệu đồng). Do kết quả học tập xuất sắc nên nhà trường giữ lại làm giảng viên, sau đó được cử đi học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản. Hiện cháu vẫn đang học tập, nghiên cứu tại Nhật và đã nhận bằng Tiến sĩ”, bà Lan phấn khởi chia sẻ.

Nguồn vốn này cũng lần lượt giúp 2 con sau của bà thỏa nguyện khát khao học tập, vào năm 2009 và 2011. “Hiện 1 cháu đã là kỹ sư và đang mở cửa hàng kinh doanh, sửa chữa máy tính và thiết bị điện tử, một cháu đã là Thạc sĩ và đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục” - bà kể và cho biết thêm - “nhờ chịu khó làm ăn, các cháu chăm ngoan, chịu khó học tập nên gia đình tôi đã khá hơn, các cháu có công việc làm, thu nhập ổn định, hiện gia đình đã trả hết số tiền 117,8 triệu đồng cho Nhà nước”.

“Tín dụng chính sách đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước, được nhân dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ”, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận.

Các chương trình tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về lao động, việc làm đặc biệt tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách đối với phát triển thanh niên cũng là nền tảng để bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung của Chính phủ, nhiều địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã chung tay ủy thác nguồn vốn ngân sách, thúc đẩy, hạt nhân tương lai của đất nước, đặc biệt phong trào khởi nghiệp.

Đọc thêm