Tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp nhiều hộ nghèo ở Đắk Lắk tự tin vươn lên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 26/6, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Trung ương về tín dụng chính sách và triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh MH
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh MH

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH. Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang Ngân hàng CSXH gần 386 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến nay là gần 7.947 tỷ đồng (tăng gần 569 tỷ đồng so với cuối năm 2023). Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 33.723 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số tiền gần 1.561 tỷ đồng.

Về dư nợ tín dụng chính sách hiện đạt hơn 7.890 tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,27%), với trên 173.000 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 8,3 tỷ đồng (chiếm 0,11% tổng dư nợ, giảm gần 1,1 tỷ đồng so với cuối năm 2023). Tại Đắk Lắk có 2 huyện, 108/184 xã, 578/691 hội đoàn thể cấp xã, 3.926/4.056 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.

Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm đến lĩnh vực này; đồng thời, hệ thống Ngân hàng CSXH hoạt động hiệu quả, đưa nguồn vốn đến người nghèo và đối tượng chính sách. Tuy nhiên, Đắk Lắk là địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo cao. Do đó, tín dụng chính sách có vai trò rất quan trọng trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương. Trên cơ sở nhìn nhận những điểm nghẽn, tồn tại, địa phương tiếp tục quan tâm, thể hiện trách nhiệm với người dân thông qua tín dụng chính sách, trong đó sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách sang Ngân hàng CSXH để người dân tiếp cận vốn một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao công tác tín dụng CSXH tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, đặc biệt là quy mô tín dụng đứng thứ 5 toàn quốc, góp phần giúp nhiều hộ nghèo tự tin vươn lên. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng rất tốt, tỷ lệ nợ xấu, nợ khoanh rất nhỏ. Ngân hàng CSXH là mô hình ưu việt, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo và người yếu thế.

Ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Thời gian gian tới, Đắk Lắk cần xây dựng đề án tổng thể về tín dụng CSXH để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng lan toả, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Đọc thêm