Tin giả có dấu hiệu gia tăng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng. Các thông tin này tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...
Nhìn nhận vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH) nhấn mạnh, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đang đi đến hồi quyết liệt nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng. QH tại Kỳ họp thứ Nhất vừa diễn ra đã ban hành Nghị quyết “bật đèn xanh” cho Chính phủ được linh động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. “Tôi cho đây là việc rất quan trọng để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh lây lan”, ông Hòa nói.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đang đồng lòng phòng, chống dịch như vậy, ông Hòa tỏ ra bức xúc trước việc gần đây, trên mạng xã hội có nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt liên quan đến dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân: “Họ đồn rất nhiều vấn đề không đúng sự thật. Ví dụ từ tháng 5, nhiều người dùng facebook lan truyền thông tin về việc TP HCM áp dụng giới nghiêm. Hay tin đồn một số nơi lơ là, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc người mắc COVID-19, để chết nhiều người… Đây là thông tin sai sự thật một cách trắng trợn; phản cảm, gây hoang mang, lo lắng trong người dân”. Những thông tin giả, sai sự thật như vậy nếu không bị xử lý sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Bàn về nguyên nhân của tình trạng trên, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH) cho rằng, một phần nguyên nhân của vấn đề là do ý thức của người phát tán thông tin. “Họ ý thức không tốt, nhận thức vấn đề không đúng. Cũng có khi việc làm của họ chỉ là vô tình. Tuy nhiên, dù vô tình hay cố ý thì điều đó vẫn cho thấy ý thức về trách nhiệm của họ trước đất nước, trước xã hội chưa tốt”, ông nói.
Cần tăng chế tài xử phạt
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin giả liên quan dịch bệnh COVID-19. Cần Thơ ngày 14/7 đã xử phạt hai phụ nữ tung tin giả tiểu thương bán bún nhiễm COVID-19 tại chợ Tân An tử vong và dịch lây lan tại khu công nghiệp. Ngày 12/7, Cà Mau xử phạt một cá nhân 7,5 triệu đồng vì tung tin bịa đặt việc phong tỏa toàn tỉnh và bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Mới nhất, ngày 28/7, Hà Nội xử phạt một phụ nữ đã đăng trên facebook thông tin giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông quyết định phạt người phụ nữ này 12,5 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Đánh giá việc xử lý các trường hợp tung tin giả thời gian qua, ĐBQH Tám cho rằng việc xử lý cơ bản đã mạnh nhưng cũng có lúc chưa kịp thời hoặc chế tài xử lý chưa đủ răn đe. Thời gian tới, có hai vấn đề cần thực hiện. “Thứ nhất là phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để họ biết rằng đó là những thông tin giả và không nghe, không tin những thông tin đó. Thứ hai là phải sử dụng công cụ pháp lý, phải xử lý rất nặng hành vi này. Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời để xử lý, cần tăng chế tài xử phạt hơn nữa. Phải truy và xử lý ngay, kịp thời để dẹp hiện tượng đó”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Hòa nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là cơ quan thông tin truyền thông, an ninh mạng cần phải tăng cường trấn áp các đối tượng có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật. “Nếu hành vi vi phạm đó ở nước ngoài, cần liên hệ với các nước để truy được những đối tượng đó là ai để có hướng xử lý. Còn trong nước thì phải truy đến cùng, truy đến nơi đến chốn để xử lý trách nhiệm, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi nghĩ rằng đây là việc rất quan trọng để răn đe, để cho những đối tượng đó không làm lây lan những tin “rác”, tin mạng trái quy định của pháp luật, gây hoang mang, lo lắng, lo sợ trong người dân”, ông nói.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"