Theo AFP, chính quyền tỉnh Maluku, miền Đông Indonesia đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 9/10 sau trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra ở trên quần đảo này vào sáng 26/9 vừa qua. Động đất đã khiến 37 người thiệt mạng, trong đó có một số trẻ nhỏ và hàng chục người khác bị thương. Theo số liệu chính thức, hơn 6.000 ngôi nhà đã bị hư hại do thiên tai. Ngoài ra, gần 135.000 người đã phải đi sơ tán ở trong các nhà tạm lánh và những chiếc lều tạm.
Tuy nhiên, đến nay, gần 2 tuần sau động đất, nhiều người dân bị mất nhà cửa do động đất vẫn quá sợ hãi đến mức không dám trở về nhà, nhất là sau khi khu vực này phải chịu hơn 1.000 cơn dư chấn kể từ sau trận động đất mạnh 6,5 độ Richter.
Những lo ngại về dư chấn đã trở nên trầm trọng hơn vì một loạt những trò lừa bịp và tin tức giả mạo, chủ yếu trên WhatsApp và các dịch vụ nhắn tin khác, trong đó cảnh báo về việc sắp xảy ra một trận động đất gây sóng thần.
“Tin tôi hay không thì tùy bạn nhưng nhiều khả năng Ambon sẽ chìm trong vài ngày tới, tôi đã nói với người thân của mình về việc này”, một tin nhắn được lan truyền trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp viết. Ambon là thủ phủ của tỉnh Maluku – nơi xảy ra động đất.
Ông Agus Wibowo, người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho hay, tin tức giả mạo đang khiến tình hình vốn đã tồi tệ trở nên tồi tệ hơn. “Có rất nhiều trò lừa bịp về một trận động đất và sóng thần lớn hơn sắp xảy ra. Điều đó khiến mọi người trở nên sợ hãi và chọn ở lại trong những nơi trú ẩn. Ngay cả những người dân có nhà không bị hư hại trong trận động đất cũng đã từ chối trở về nhà, bất chấp việc chúng tôi đã nỗ lực thuyết phục họ rằng nhà của họ vẫn an toàn”, ông Wibowo cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Wibowo, cũng vì những thông tin không chính xác trên mạng xã hội nên nhiều người khác cũng nghĩ rằng họ không được phép quay trở về nhà khi tình trạng khẩn cấp vẫn chưa hết hiệu lực. “Điều đó thực sự sai”, ông nói thêm.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Indonesia đã phải lập một lực lượng chuyên đảm nhận việc triệt phá tin tức lừa đảo nhằm ngăn chặn tin giả trước cuộc bầu cử ở nước này. Việc thành lập lực lượng đặc nhiệm này được giới chức Indonesia tiến hành trong bối cảnh theo một số thống kê, có tới 130 triệu người Indonesia, tương đương một nửa dân số của nước này, dành trung bình tới 3 tiếng mỗi ngày để truy cập mạng xã hội. Đây được cho là con số cao nhất thế giới. Điều đáng nói là đa số những thông tin mà người sử dụng mạng xã hội ở Indonesia tiếp cận lại là tin giả.
Không chỉ Indonesia mà giới chức nhiều nước khác trên thế giới cũng đang phải đau đầu tìm cách ngăn chặn tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Mới đây nhất, Singapore đã chính thức thực thi luật chống tin giả, theo đó quy định những công ty có hành vi đăng thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông phải đối mặt với mức phạt lên tới 1 triệu SGD (tương đương 735.000 USD) còn các cá nhân có thể đối mặt với khung hình phạt 10 năm tù giam hoặc cả 2 hình phạt.
Cùng với các quy định xử phạt, luật mới của Singapore cũng buộc các nền tảng trực tuyến như Facebook và Twitter phải chịu trách nhiệm về nội dung được đăng tải trên các trang này, gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải đã được nhà chức trách xác định là giả mạo. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nước này sẽ có quyền yêu cầu các trang mạng xã hội phải gỡ bỏ những nội dung giả mạo.