Tình báo Mỹ choáng váng với vũ khí siêu vượt âm của Nga

Từng dẫn đầu thế giới trong phát triển vũ khí thế hệ mới – vũ khí siêu vượt âm, song mới đây mỹ phải “cay đắng” thừa nhận đang "chạy theo chân" người Nga ở lĩnh vực này. Đây có thể xem là một nỗi đau của ngành tình báo Mỹ, khi họ đã thất bại trong việc đưa ra dự báo chính xác về những gì đang diễn ra ở Nga.

Nga “đi sau nhưng về trước”

Trong một tuyên bố phát đi đúng dịp lễ Giáng sinh 24-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước Nga “đang ở thời điểm có một không hai trong lịch sử hiện đại” khi Mỹ phải chạy đua với hi vọng theo kịp Nga trong phát triển vũ khí. 

“Chưa nước nào sở hữu vũ khí siêu vượt âm, chứ đừng nói tới vũ khí siêu vượt âm có tầm bắn xuyên lục địa”, ông Putin nhấn mạnh trước các quan chức quốc phòng ở Moscow, nhắc tới việc Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới biên chế vũ khí siêu vượt âm cho quân đội – tên lửa Kinzhal và tiến tới triển khai rộng rãi thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard, loại vũ khí tấn công có tầm bắn không giới hạn, ngay trước thời điểm bước sang năm mới 2020. 

Thiết bị lướt Avangard được nạp vào bệ phóng. Ảnh: BQP Nga.
Thiết bị lướt Avangard được nạp vào bệ phóng. Ảnh: BQP Nga.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow không chủ quan, song có quyền tự hào về những gì đã làm được. “Avangard là vũ khí có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện nay và cả tương lai nhờ khả năng thay đổi quỹ đạo trong hành trình”, ông Putin hé lộ một ưu điểm của thế hệ vũ khí chiến lược mới – thứ mà Mỹ chưa từng chạm tay.

Theo Reuters, một vũ khí sẽ được xếp vào dạng siêu vượt âm nếu chúng có tốc độ lớn hơn 5 lần âm thanh, Mach 5, tức hơn 6.000km/h và khả năng thay đổi hành trình sau khi rời bệ phóng. Thiết bị lướt Avangard của Nga có vận tốc đặc biệt lớn bởi nó đủ khả năng lao vào mục tiêu ở Mach 27 sau khi được khai hỏa đi từ ống phóng tên lửa hành trình hoặc gắn trên đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat. Trong khi đó, tên lửa Kinzhal có tầm bắn tối đa 2.000km. 

Mẫu tên lửa này đủ khả năng đạt vận tốc gấp 10 lần âm thanh, được trang bị nhiều loại đầu đạn, gồm đầu đạn hạt nhân và có thể khai hỏa từ tiêm kích chiến đấu MiG-31. 

Kinzhal được giới chuyên gia mô tả là có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ của đối phương nhờ khả năng cơ động và tốc độ cao, đánh trúng mục tiêu ở mọi điều kiện thời tiết. Với diện tích trải dài trên 11 múi giờ, hiếm có mục tiêu nào nằm ngoài tầm bắn của cặp đôi MiG-31 và Kinzhal, trừ khi nó ở châu Mỹ!

Điều đáng nói là, nếu những tuyên bố trên chỉ xuất hiện từ Nga thì đó có thể xem như một chiêu phô diễn mà các cường quốc quân sự thường làm khi họ cho ra mắt thiết bị mới. Lần này, những thừa nhận về uy lực của vũ khí siêu vượt âm Nga đến từ Mỹ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người thứ tư giữ vai trò đứng đầu Lầu Năm Góc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 12 cho biết: “Chúng ta ngừng theo đuổi công nghệ này cách đây vài năm khi đang có lợi thế và giờ phải chơi trò bám đuổi người Nga. Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố chắt chiu từng đồng USD với hi vọng giành lại lợi thế trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm”. 

Trong một báo cáo công bố cuối năm ngoái, Lầu Năm Góc nhận định “Nga và Trung Quốc đang tập trung phát triển vũ khí siêu vượt âm, vì tốc độ, tầm bắn và khả năng cơ động cực cao của loại vũ khí này cho phép đánh bại hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa”. 

Theo Tom Kennedy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Raytheon - nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ, việc Nga triển khai vũ khí siêu vượt âm sẽ khiến các đối thủ tiềm tàng của Moscow phải thay thế toàn bộ mạng lưới phòng thủ.

Việc này theo đó sẽ buộc các nước phải chi hàng chục tỷ USD để triển khai các hệ thống “chuỗi tiêu diệt” từ phát hiện mục tiêu ban đầu đến lúc đánh chặn. Ông Michael Griffin, một chuyên gia công nghệ hàng đầu của Lầu Năm Góc thì cho rằng Mỹ sẽ không triển khai hệ thống phòng thủ đủ sức ngăn chặn vũ khí siêu vượt âm trong vòng ít nhất một thập kỷ nữa.

Trong suốt nhiều thập kỷ chạy đua giữa hai siêu cường quân sự, Nga và Mỹ luôn bám đuổi nhau rất sát với mọi lĩnh vực. Năm 1945, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, trở thành nước đầu tiên sở hữu và triển khai loại vũ khí hủy diệt này. 

Tên lửa Kinzhal trên máy bay MiG-31K. Ảnh: TASS.
Tên lửa Kinzhal trên máy bay MiG-31K. Ảnh: TASS.

Chưa đầy 4 năm sau, Liên Xô cũng tiến hành một vụ thử tương tự, xóa bỏ thế độc tôn của người Mỹ. Năm 1957, Liên Xô khiến cả thế giới “ngỡ ngàng” khi phóng thành công một vệ tinh nhân tạo vào không gian trên tên lửa đẩy R7. Không chịu thua kém, Mỹ một năm sau cũng đưa thành công vệ tinh Explorer 1 lên quỹ đạo Trái đất. 

Cuộc đua giữa hai siêu cường cứ như vậy tiếp diễn với nhiều thành tựu trong ngành công nghiệp quân sự và dân sự, không bên nào chịu thua kém bên nào, cho đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ vượt lên giành ưu thế gần như tuyệt đối.

“Vài năm” là khoảng thời gian mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ sẽ nỗ lực để sở hữu tên lửa siêu vượt âm, song các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ mất không dưới một thập kỉ để có được trình độ hiện thời của Nga, chưa nói tới khả năng vượt mặt và đánh chặn vì Nga liên tục cải tiến vũ khí để duy trì khả năng răn đe. 

Ngoài vũ khí siêu vượt âm phóng từ máy bay và mặt đất, Nga được dự đoán sẽ tiếp tục là quốc gia đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm cho tàu chiến, thậm chí tàu ngầm. Một số tài liệu cho biết, tên lửa hành trình diệt hạm Zircon có vận tốc không dưới Mach 8 sẽ sớm được Moscow trang bị cho một loạt tàu chiến mặt nước thế hệ mới và dòng tàu ngầm tuần dương hạt nhân loại K-561 Kazan – mẫu tàu ngầm có thể ẩn mình dưới nước nhiều ngày mà không bị lộ, có thể áp sát bờ biển từ Bắc Mỹ đến châu Á.

Nỗi hổ thẹn của ngành tình báo Mỹ

Trước khi được Tổng thống Donald Trump cho thôi việc hồi tháng 9-2019, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng bình luận đầy bất ngờ: “GDP của Nga chỉ bằng Hà Lan, nhưng họ chi mạnh cho quốc phòng không chỉ để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, mà còn phát triển các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân như phương tiện phóng siêu vượt âm, tên lửa hành trình hạt nhân siêu vượt âm. Các công nghệ này phần lớn là do Nga lấy được từ Mỹ”.  

Mô hình tên lửa AGM-183A gắn trên cánh B-52H của Mỹ. Ảnh: DefPost.
Mô hình tên lửa AGM-183A gắn trên cánh B-52H của Mỹ. Ảnh: DefPost.

Theo chuyên gia Nga, Mỹ và Liên Xô có trình độ tương đương nhau và đi theo con đường phát triển khoa học riêng rẽ. Mỹ có thể dẫn trước Nga trong một số lĩnh vực, nhưng Nga mới là nước có vũ khí siêu vượt âm tốt nhất. “Công nghệ vũ khí siêu vượt âm của Nga được phát triển dựa vào dự án khoa học từ thời Liên Xô. Thông tin về vũ khí siêu vượt âm Nga mới được công khai gần đây nhưng nó đã có từ lâu”, ông Murakhovsky nhấn mạnh.

Chưa xét tới tuyên bố của chuyên gia Murakhovsky, giới quan sát nhận định, nếu Nga thật sự đã đánh cắp công nghệ của Mỹ mà lại có thành tựu nhanh hơn, đó rõ ràng là lỗi của giới tình báo Mỹ. Nếu điều đó không đúng, ngành tình báo Mỹ càng nên xấu hổ khi họ không thể nắm được những gì đang diễn ra trên thực tế ở Nga để đưa ra lời khuyên cho giới tinh hoa tại Washington.

Cách đây 9 năm, năm 2010, phần đông thế giới mới biết đến thế nào là vũ khí siêu vượt âm khi Washington tuyên bố thiết bị bay không người lái X-51A Waverider, được thiết kế đạt vận tốc Mach 6, đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm “gần như thành công” khi nó giữ nguyên tốc độ trong vòng 3 phút dù gặp sự cố nhỏ trong quá trình bay. 

Tuy vậy, những cuộc thử nghiệm sau đó vào năm 2012, 2013, 2014 gặp nhiều trục trặc, khiến X-51A chỉ dừng lại ở bản thử nghiệm, chưa đi vào sản xuất nguyên mẫu. Các chuyên gia Mỹ thừa nhận họ gặp khó khăn trong sản xuất động cơ đủ mạnh và vật liệu vỏ. 

Sau X-51A, Mỹ gần như từ bỏ phát triển mẫu vũ khí này, bằng chứng là nguồn ngân sách phân bổ cho vũ khí siêu vượt âm của quân đội Mỹ ngày càng ít đi. Trong giai đoạn 2012-2018, các báo cáo của quân đội Mỹ được hé lộ cũng không hề nhắc tới mối đe dọa của vũ khí siêu vượt âm từ Nga để tìm kiếm biện pháp đối phó cho phù hợp.

Tháng 3-2018, khi Tổng thống Putin lần đầu công khai các mẫu khí tài siêu vượt âm trong bài thông điệp liên bang, ở Mỹ chứng kiến những phản ứng trái chiều. Trên truyền thông Mỹ, các chuyên gia, nhà bình luận đều đánh giá, việc Putin công bố nhiều mẫu vũ khí vài ngày trước kì bầu cử cho thấy những lời nói của ông mang nặng ý nghĩa đối nội nhằm tìm thêm phiếu ủng hộ và rằng những mẫu vũ khí này “chỉ có trong bộ phim viễn tưởng Star Wars”.

Về phần mình, các báo cáo của ngành tình báo quân đội Mỹ trấn an giới tinh hoa bằng cách nêu ra một số cuộc thử nghiệm thất bại của vũ khí Nga, trong đó khẳng định tên lửa siêu vượt âm Burevestnik dùng động cơ hạt nhân chỉ bay được chưa đầy 35km trong một thử nghiệm, còn trong một thử nghiệm khác, tên lửa đã rơi chỉ sau 4 giây. 

Tháng 3-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Jim Mattis thậm chí dẫn báo cáo phân tích của giới tình báo, khẳng định với truyền thông: “Tôi đã xem xét và phân tích. Là lãnh đạo của quân đội, tôi được trả lương để đánh giá chiến lược và tôi nói thế này: tôi không thấy tên lửa Kinzhal đem đến sự thay đổi về khả năng quân sự của Nga”. 

Vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tự tin khẳng định những hệ thống vũ khí mà Nga giới thiệu sẽ “mất nhiều tiền và thời gian” mới có thể đi vào trực chiến, và vì vậy, nó chẳng ảnh hưởng đến chiến lược quốc phòng của Mỹ.

Thế nhưng, trong những công bố trong 18 tháng gần đây nhất, tình báo Mỹ buộc phải thừa nhận Nga đang tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm và hối thúc Lầu Năm Góc có động thái trước khi quá muộn. 

hỉ từ đầu năm 2019, Mỹ được cho là đã chi hàng trăm triệu USD vội vã phát triển trở lại loại vũ khí này. Mỹ dường như cũng sốt sắng tìm hiểu công nghệ Nga khi cố gắng móc nối với các chuyên gia Nga. Tháng 8 năm ngoái, Moscow khiến giới tình báo phương Tây một phen "mất mặt" khi bắt tận tay một cựu chuyên gia 74 tuổi trong lúc ông này tuồn thông tin về vũ khí siêu vượt âm cho "điệp viên phương Tây".

Đến tháng 6 vừa rồi, Mỹ bất ngờ công bố hình ảnh tên lửa AGM-183A do Lockheed Martin chế tạo. Truyền thông phương Tây nói rằng AGM-183A được thiết kế bay ở vận tốc tối đa Mach 20, có thể khai hoả từ máy bay B-52H. Tuy nhiên, họ thừa nhận quả tên lửa được thử nghiệm chỉ là mô hình rỗng, không có động cơ, thiết bị điện tử. Trong năm 2020, Mỹ dự kiến chi 10,58 tỷ USD cho Cơ quan Phòng thủ tên lửa, nhằm thử nghiệm và đánh giá hạ tầng trong các lĩnh vực, chú trọng vào vũ khí siêu vượt âm.

Song song với việc đẩy mạnh phát triển vũ khí mới, Washington dường như muốn tái triển khai và nâng cấp vũ khí tấn công thế hệ cũ để cứu vớt khả năng răn đe trước Nga. 

Trên mạng thông tin Nga, một số nhà bình luận cho rằng sự lo lắng của Mỹ trước nguy cơ cán cân sức mạnh thay đổi là một phần lý do thúc đẩy họ đi đến quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và tuyên bố không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START-3, văn kiện duy nhất giúp tránh sự sụp đổ của các cơ chế kiểm soát tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của thế giới, vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. 

Nếu START-3 sụp đổ, nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giống như dưới thời Chiến tranh Lạnh là rất cao.

Trong bước đi thể hiện nỗ lực vãn hồi lòng tin và cứu START-3, Nga hồi tháng 11 đã cho Mỹ tiếp cận thiết bị lướt Avangard và thậm chí sẵn sàng cho chuyên gia của Washington "ngắm nghía" ICBM Sarmat. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng bán tên lửa siêu vượt âm cho Mỹ nếu Washington muốn, còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng đưa hai vũ khí này vào điều khoản của START-3. 

Thế nhưng, Mỹ dường như vẫn chưa an tâm. Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ muốn liệt toàn bộ vũ khí răn đe, những loại mà chỉ một mình Nga sở hữu, vào danh sách các loại khí tài bị giới hạn bởi hiệp ước, điều mà Nga khó lòng chấp thuận.