Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết, nhất là tại huyện Đầm Dơi, Năm Căn.
Các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, để người dân biết, chủ động thực hiện, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; đồng thời, rà soát, triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện).
UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý, qua đó khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi để hạn chế thiệt hại.
Sở Khoa học và Công nghệ rà soát tình hình nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài, giải pháp khắc phục cua nuôi bị chết và các đề xuất có liên quan...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông, rạch. |
Trước đó, ngày 25/3, Báo Pháp luật Việt Nam thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, cua nuôi bị chết tập trung nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi với diện tích hơn 1.200ha và huyện Năm Căn với hơn 600ha. Đa phần cua bị chết đều bị đen mang, màu nhợt, bọng thịt, cơ thịt nhão có màu hồng, có nhiều giáp xác trong thân cua...
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng lấy mẫu cua nuôi bị chết gửi đi phân tích. Theo kết quả phân tích mẫu từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, cua chết có ký sinh Zothamium spp, giáp xác chân đều, ký sinh trùng… Trước khi chết vài ngày cua nuôi có biểu hiện yếu, ít bắt mồi và mất thịt dần.
“Người nuôi cua phải thu hoạch ngay số cua còn lại trong ao vuông có cua bị nhiễm bệnh để hạn chế thiệt hại. Không nên thả thêm con giống vào thời điểm này. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để kịp thời cấp thêm nước vào ao vuông nuôi cua nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao.
Đối với các con cua bị chết, hộ nuôi cua phải thu gom lại rồi đem chôn, xử lý bằng vôi nóng để hạn chế mầm bệnh lây lan... Tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông, rạch dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo.