Tình cảm trước, tín ngưỡng sau

Cuộc trưng cầu dân ý về ly hôn mới rồi tuy nghe qua chỉ đơn giản vậy nhưng lại là sự kiện lịch sử ở Malta. Thành viên tí xíu của EU này là một trong những quốc gia theo đạo Thiên chúa chính thống và là thành viên duy nhất trong EU gần như không cho phép ly hôn.

Cuộc trưng cầu dân ý về ly hôn mới rồi tuy nghe qua chỉ đơn giản vậy nhưng lại là sự kiện lịch sử ở Malta. Thành viên tí xíu của EU này là một trong những quốc gia theo đạo Thiên chúa chính thống và là thành viên duy nhất trong EU gần như không cho phép ly hôn.

Ở đây, có tới 95% người dân theo Đạo Thiên chúa. Việc kết hôn và ly hôn được tiến hành theo nghi thức và quyết định của nhà thờ. Kết hôn thì dễ, nhưng ly hôn thì rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Trong cuộc trưng cầu dân ý mới rồi, 52% cử tri tán đồng việc cho phép ly hôn sau khi cặp vợ chồng đó đã ly thân ít nhất 4 năm. Cuộc trưng cầu dân ý này không có tác động ràng buộc đối với quốc hội và chính phủ nhưng đủ để buộc quốc hội tới đây phải ban hành luật cho phép ly hôn.

Đa số ủng hộ ly hôn tuy mong manh, nhưng đủ để kết quả trưng cầu dân ý hợp lệ. Người ngoài ngạc nhiên về kết quả ấy vì Malta là một trong những thánh địa của Nhà thờ Thiên chúa giáo, tuân thủ đủ các loại quy định nghiêm khắc của Nhà thờ Thiên chúa giáo về đạo đức và hôn nhân.

Mới đây thôi, trong chuyến thăm đảo quốc này, đích thân người đứng đầu Nhà thờ Thiên chúa giáo, Giáo hoàng Benedikt  XVI, còn hết lời ca ngợi Malta về phương diện cấm ly hôn và phá thai. Điều thú vị ở kết quả nói trên của cuộc trưng cầu dân ý này là những con chiên mộ đạo đến như vậy của Nhà thờ Thiên chúa giáo lại không còn tán đồng với một trong số những quy định được coi là bản sắc về đạo đức của Nhà thờ này.

Kết quả trưng cầu dân ý nói trên không có nghĩa là người dân trên đảo quốc này bớt mộ đạo, mà đơn giản chỉ là đặt yếu tố tình cảm lên trên lý trí nhận thức về tín ngưỡng. Người dân ở nơi này không vì tình cảm mà bỏ đạo, nhưng đang dần tách những quy định và phạm trù mà họ cho rằng đã bất cập theo thời gian ra khỏi tín ngưỡng.Đối với cả Quốc hội và Chính phủ Malta cũng như Nhà thờ Thiên chúa giáo thì ý nguyện của đa số cử tri thể hiện qua cuộc trưng cầu dân ý này còn là bằng chứng cho thấy cả pháp lý lẫn tín ngưỡng ở Malta đã bị thực tế cuộc sống của con người bỏ rơi lại phía sau.

Vấn đề đặt ra bây giờ ở Malta và cũng trở thành tiền lệ cho không ít nơi khác nữa trên thế giới là lập pháp trên nền tảng tín ngưỡng như từ trước tới nay hay cả lập pháp lẫn tín ngưỡng đều phải lưu ý đến thực tế cuộc sống luôn biến động và đổi mới không ngừng.

Mạc Thầy