Tình hình tiêm và phân phối vaccine COVID-19 trên thế giới

(PLVN) - Người gốc Á hiện là cộng đồng được tiêm chủng ngừa COVID-19 nhiều nhất ở New York, Mỹ, với 68% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở San Diego, California, Mỹ ngày 15/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tỷ lệ người gốc Á tại New York được tiêm ngừa COVID-19 cao nhất

Theo phóng viên TTXVN tại New York, người gốc Á hiện là cộng đồng được tiêm chủng ngừa COVID-19 nhiều nhất ở New York, Mỹ, với 68% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi, theo công bố của chính quyền sở tại ngày 6/5.

Đây là một tín hiệu tích cực đối với cộng đồng gốc Á tại New York trong bối cảnh còn nhiều các cộng đồng thiểu số khác chưa được tiêm chủng rộng rãi do những rào cản về ngôn ngữ hoặc do sống ở những khu vực hẻo lánh, không có Internet để đặt hẹn trực tuyến và nhất là khi cộng cộng đồng gốc Á đang rất lo ngại ra ngoài bị tấn công do kỳ thị sau hàng loạt các vụ bạo lực vô cớ nhằm vào người gốc Á xảy ra tại New York và trên khắp nước Mỹ thời gian gần đây.

Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm nay, cảnh sát New York đã phải điều tra hoặc giải quyết khoảng gần 40 vụ tội phạm tấn công người gốc Á, tăng hơn rất nhiều so với các năm trước; Tỷ lệ tội phạm thù hận do kỳ thị chủng tộc người gốc Á cũng tăng vọt tới 223% tại New York trong khảo sát mới đây.

Để có được thành quả nhiều người gốc Á tiêm chủng như vậy, nỗ lực của các tổ chức cộng đồng thiểu số phi lợi nhuận rất đáng ghi nhận; họ đã tích cực hỗ trợ, cử tình nguyện viên đến nhà đưa người gốc Á đi tiêm chủng một cách nhanh chóng và an toàn.

Tổ chức phi lợi nhuận Mekong NYC có trụ sở tại New York chuyên giúp người gốc Việt và gốc Khmer không biết tiếng Anh bởi các tình nguyện viên ở đây đều tự học tiếng Việt và tiếng Khmer cơ bản để có thể diễn đạt các vấn đề y tế đơn giản cần thiết khi trợ giúp; Trung tâm dịch vụ gia đình Triều Tiên thì giúp cộng đồng người gốc Hàn còn Hội đồng người Mỹ gốc Trung hỗ trợ tích cực người gốc Trung Quốc. Nhờ sự chung tay của các tổ chức như nêu trên, nỗ lực tiêm chủng rộng rãi cho người dân của Chính phủ Mỹ đang đạt được những hiệu quả tích cực.

Đại dịch COVID-19  tại New York cũng có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt với số ca nhiễm mới tiếp tục giảm, số ca nhập viện giảm 26%, số ca xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 duy trì mở mức 4% và số ca tử vong là 557 người theo ghi nhận trong hai tuần vừa qua.

Thiếu vaccine làm tăng nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở châu Phi

Ngày 6/5, Văn phòng khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát một làn sóng mới dịch COVID-19 trên lục địa này do sự chậm trễ ngày càng tăng trong việc tiêm chủng tại châu Phi so với phần còn lại của thế giới.

Với việc hoãn cung cấp các liều vaccine COVID-19 do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất dành cho châu Phi, cũng như việc triển khai tiêm chủng vaccine chậm và sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới vẫn ở mức cao ở châu Phi, một tuyên bố của văn phòng khu vực của WHO có trụ sở tại Brazzaville cảnh báo.

Theo tuyên bố trên, mặc dù một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong việc triển khai vaccine, song tính đến thời điểm hiện tại, châu Phi chỉ chiếm 1% số liều vaccine được sử dụng trên thế giới, so với 2% cách đây vài tuần. Chỉ có khoảng một nửa trong số 37 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19 mà châu Phi nhận được đã được sử dụng cho đến nay.

Hiện các lô hàng vaccine đầu tiên đã chuyển giao tới 41 quốc gia châu Phi thông qua hệ thống Covax (nhằm đảm bảo các quốc gia nghèo có thể tiếp cận với vaccine) kể từ đầu tháng 3, nhưng 9 quốc gia đã tiêm chủng chưa đến một phần tư số liều nhận được và 15 quốc gia khác đã tiêm được 50% số liều nhận được.

"Thảm kịch ở Ấn Độ không được xảy ra ở châu Phi, và tất cả chúng ta phải luôn cảnh giác cao độ," Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti tuyên bố.

Bà nhấn mạnh "nếu chúng tôi kêu gọi công bằng vaccine, châu Phi cũng phải nỗ lực và tận dụng tối đa những gì chúng ta có. Chúng ta phải sử dụng tất cả liều vaccine đang có để tiêm chủng cho mọi người."

Indonesia mua 7,5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc

Ngày 6/5, hãng dược phẩm PT Bio Farma của Indonesia cho biết Công ty dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc đã cam kết cung cấp 7,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho quốc gia Đông Nam Á này và sẽ bàn giao dần từ nay đến tháng 9 tới.

Lãnh đạo Công ty Bio Farma, ông Bambang Hariyanto cho hay, tính đến nay, 500.000 liều vaccine Sinopharm trong tổng số 7,5 triệu liều cam kết đã được bàn giao cho Indonesia để sử dụng cho chương trình tiêm chủng tư nhân.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia (Kadin) Shinta Widjaja Kamdani cho biết hiện đã có hơn 17.000 công ty đăng ký cho 8,6 triệu lao động tham gia chương trình tiêm chủng "Hợp tác cùng nhau."

Đức cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho tất cả người trưởng thành

Ngày 6/5, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố nước này sẽ cho phép tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho tất cả người trưởng thành thuộc mọi lứa tuổi, đảo ngược một quyết định trước đó hạn chế tiêm loại vaccine này cho nhóm người trên 60 tuổi.

Bộ trưởng Spahn cũng cho biết Đức dự kiến cung cấp một loại vaccine phòng COVID-19 cho nhóm người thuộc độ tuổi 12-18 vào trước cuối tháng 8, nếu các cơ quan quản lý cấp phép cho sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech đối với nhóm tuổi đó.