Tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh công tác chuyển đổi số từ việc huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Những kết quả từ công tác chuyển đổi số đã phục vụ đời sống của người dân và xã hội ngày càng tốt hơn.

Nhằm triển khai hiệu quả Quyết định 06/QĐ-CP Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP), UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức ưu đãi về một số nội dung về lệ phí khi thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến nhằm thúc đẩy, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục thành phần hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) phải số hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh...

UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 70 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở ngành. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã tích hợp, cung cấp 1.310/1.860 TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 70,43%. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp nhận 131.794 hồ sơ TTHC. Theo đánh giá của Cổng Dịch vụ công quốc gia, điểm số hóa hồ sơ toàn tỉnh Hòa Bình đạt 13,6/22 điểm.

Đoàn lãnh đạo và đại biểu tỉnh Hòa Bình tham gia Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm về Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Ảnh: hoabinh.gov.vn

Đoàn lãnh đạo và đại biểu tỉnh Hòa Bình tham gia Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm về Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Ảnh: hoabinh.gov.vn

Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số, lực lượng Công an đã cấp căn cước công dân là 728.073/732.456 công dân từ đủ 14 tuổi đủ điều kiện, đạt 99,4%; xác thực và định danh điện tử 500.508 tài khoản, đạt 68%. Cơ quan chức năng đã cấp 1.500 chữ ký số từ xa cho người dân và doanh nghiệp để sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Công dân khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế bằng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại 232/232 cơ sở y tế, đạt 100%. Thực hiện đồng bộ, xác thực dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư BHXH, BHYT, BHTN là 782.953/784.926 người, đạt 99,75%... Qua đó, người dân không phải xuất trình nhiều giấy tờ khi giao dịch, dữ liệu được đồng bộ, thông suốt, chính xác.

Về hạ tầng kết nối, nền tảng kỹ thuật luôn được đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện kết nối, lưu trữ, khai thác, ứng dụng phát triển thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06/CP tại địa phương.

Tỉnh Hòa Bình đang duy trì cập nhật, bổ sung, điều chỉnh thông tin công dân đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” từ các dữ liệu chuyên ngành trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỉnh Hòa Bình tiếp tục cài đặt các thiết bị công nghệ tiên tiến ứng dụng vào cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước và giao dịch của người dân.

Vào ngày 16/10, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND về Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2025.

Mục tiêu chung năm 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực. Phấn đấu tỉnh Hòa Bình nằm trong nhóm xếp hạng khá của quốc gia trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI vào năm 2025.

Mục tiêu chung năm 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh minh họa: hoabinh.gov.vn

Mục tiêu chung năm 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh minh họa: hoabinh.gov.vn

Hòa Bình triển khai thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh; tiếp tục triển khai chuyển đổi số trên ở các lĩnh vực ưu tiên phục vụ thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh bền vững; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp trên toàn tỉnh; phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng đẩy nhanh tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả.

Đọc thêm