Tính kế thừa, đổi mới trong văn kiện Đại hội Đảng

(PLVN) - Theo đánh giá của các chuyên gia, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt và thể hiện nhất quán, sáng tạo ba nguyên tắc cơ bản trong xây dựng các văn kiện của Đảng, gồm: Nguyên tắc kế thừa và phát triển; nguyên tắc kiên định và đổi mới; nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn thực tiễn và lý luận.
Các văn kiện đã tập trung vào phương hướng phát triển đất nước trung và dài hạn. Ảnh minh họa.
Các văn kiện đã tập trung vào phương hướng phát triển đất nước trung và dài hạn. Ảnh minh họa.

Kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị

Các văn kiện đã kế thừa có chọn lọc cách xác định chủ đề, phương châm Đại hội; cách kết cấu, trình bày và những nội dung cơ bản… trong văn kiện các Đại hội của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhất là Đại hội XI, Đại hội XII, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển phù hợp.

Đặc biệt, có thể thấy, các văn kiện Đại hội XIII vừa kế thừa nghiêm túc những nhận định, đánh giá, dự báo, quan điểm, mục tiêu và những định hướng lớn về nhiệm vụ, giải pháp đã được trình bày trong văn kiện các nhiệm kỳ Đại hội trước, đặc biệt là các văn kiện nhiệm kỳ Đại hội XII, đến nay vẫn đúng đắn, chuẩn xác, còn nguyên giá trị, đồng thời bổ sung, phát triển nhiều vấn đề, nội dung mới. 

Sự bổ sung, phát triển về nội dung trong các văn kiện Đại hội XIII phản ánh sự thay đổi, yêu cầu và những xu hướng, khuynh hướng mới của thực tiễn thế giới, đất nước; sự phát triển của công cuộc đổi mới, những tiến bộ về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta qua 35 năm đổi mới.

Phân tích, cập nhật những vấn đề mới, xu hướng mới

Về nguyên tắc kiên định và đổi mới, có thể thấy, các văn kiện Đại hội XIII là văn kiện cao nhất, quan trọng nhất của Đảng, có ý nghĩa định hướng về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5, 10, 25 năm tới. Do vậy, yêu cầu phải bảo đảm sự kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc để không chệch hướng, không cực đoan, đồng thời, thể hiện cho được tinh thần đổi mới để không sa vào bảo thủ, giáo điều, trì trệ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học, tuy cách tiếp cận và trình bày cụ thể các vấn đề, nội dung có khác nhau tùy theo yêu cầu, tính chất của từng báo cáo, song tất cả các văn kiện đều tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tính đảng và tính khoa học.  

Các văn kiện Đại hội XIII được xây dựng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ sự kiên định một cách sáng tạo với tiếp tục đổi mới tư duy trong phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và định hướng phát triển đất nước theo phép biện chứng Hồ Chí Minh: Thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ, do vậy cán bộ, đảng viên không thể “giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi”, mà tư tưởng, hành động cũng phải phát triển.

Về đánh giá tình hình, các văn kiện, tuy cách tiếp cận cụ thể có khác nhau do yêu cầu, tính chất của từng văn kiện khác nhau, nhưng đều thể hiện một tinh thần chung là đánh giá thành tựu 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với thành tựu 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 35 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới để thấy được tính liên tục, kế thừa, tiếp nối của cả một quá trình phấn đấu, sáng tạo bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thêm nữa, lần này, trong các văn kiện, việc đánh giá thành tựu, hạn chế được trình bày khái quát hơn, không sa đà vào các công việc cụ thể, chú ý nêu rõ những dấu ấn nổi bật, đúc kết những kinh nghiệm ở tầm bài học, mang tính lý luận.

Bên cạnh đó, về dự báo tình hình, các văn kiện đều chú trọng phân tích, cập nhật những vấn đề mới, biểu hiện mới, xu hướng mới, yêu cầu mới, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đặt ra đối với đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh, sâu rộng; tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, có nhiều đột biến, đặc biệt là sự tác động toàn diện, mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, trước mắt là đại dịch Covid-19...

Điểm mới nổi bật là, lần này các văn kiện vừa chú trọng định hướng giải quyết những vấn đề cấp thiết ở tầm ngắn hạn (5 năm 2021-2025), vừa xác định phương hướng phát triển đất nước ở tầm nhìn trung hạn, dài hạn đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đọc thêm