Tính khả tín - sức mạnh của báo chí trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong kỷ nguyên số, người làm báo phải đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại, vượt qua những cám dỗ, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Tác nghiệp bằng điện thoại tích hợp các phần mềm thông minh nhanh chóng, hiệu quả.
Tác nghiệp bằng điện thoại tích hợp các phần mềm thông minh nhanh chóng, hiệu quả.

Những thách thức trong kỷ nguyên số

Không chỉ ở Việt Nam, sự bùng nổ của kỷ nguyên số có ảnh hưởng sâu rộng đối với báo chí trên toàn cầu. Trong đó phải kể đến sự phổ biến của internet và các nền tảng truyền thông xã hội. Công nghệ số đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho người làm báo. Tuy nhiên, nó cũng tạo sức ép cạnh tranh, đặt các cơ quan báo chí và người làm báo trước nhiều áp lực.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống. Báo in đối mặt với sự sụt giảm doanh thu, báo điện tử phải cạnh tranh với mạng xã hội, hoạt động xuất bản gặp nhiều khó khăn. Những người làm báo buộc phải sống để làm nghề.

Trong thời đại bùng nổ thông tin và cơ chế thị trường, một bộ phận người làm báo vướng vào lao lý vì các hành vi vi phạm pháp luật, một bộ phận người làm báo có những hoạt động thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí ngày càng trở nên phức tạp.

Mạng lưới rộng và tính lan truyền nhanh của mạng xã hội cũng tác động tiêu cực đến xu hướng “lá cải hóa” trong hoạt động báo chí, Không ít người làm báo lợi dụng việc đưa các tin tức giật gân, moi móc đời tư, bạo lực, tình dục,… để thu hút sự chú ý của độc giả. Để thu hút bạn đọc, để được coi là nhanh nhạy, một số người làm báo đã bộc lộ sự cẩu thả để có những thông tin mới, "nóng", bất chấp tính chính xác của nội dung thông tin.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí nước ta là “phổ biến những đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến Nhân dân” và là “diễn đàn của Nhân dân, phản ánh một cách trung thực tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Xu hướng “thương mại hóa”, “lá cải hóa” khiến cho báo chí xa rời những tiêu chí trên và một trong những nhân tố quan trọng đẩy nhanh xu hướng đó chính là sự bùng nổ của mạng xã hội.

Giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp

Trước tình thế có thể bị “lép vế” trước các phương tiện truyền thông mới trong lòng công chúng, báo chí chỉ có thể cạnh tranh bằng một thuộc tính mang tính sống còn: tính khả tín. Mà tính khả tín của một tờ báo đến từ đâu? Đến từ bản lĩnh của chính những người làm báo.

Trong thời đại của sự bùng nổ thông tin, sự cạnh tranh gay gắt trong cơ chế thị trường và tác động của toàn cầu hóa, người làm báo phải đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực cạnh tranh thông tin đến những cám dỗ vật chất và các vấn đề tiêu cực của xã hội. Điều đó buộc người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm vì nước, vì dân, có tư duy sắc bén, tỉnh táo, có trách nhiệm, không vì chạy đua tốc độ mà bỏ qua tính chính xác, chân thực và nhân văn của mỗi thông tin đem đến cho công chúng; không nóng vội, “thổi phồng” sự thật, làm sai lệch bản chất sự việc chỉ với mục đích thương mại, chạy theo lợi nhuận.

Bên cạnh đó, người làm báo phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước, tác động tích cực, có hiệu quả đến sự tiến bộ của toàn xã hội - đó là “sức mạnh mềm” của báo chí, trách nhiệm xã hội của mỗi người làm báo. Mặt khác, người làm báo phải hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật cả trong đời sống cũng như trong hoạt động tác nghiệp báo chí của mình. Thông tin mà mỗi người làm báo chân chính cung cấp phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, công lý, tin vào những điều tốt đẹp, lương thiện trong cuộc sống, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ đất nước, tương lai dân tộc.

Mỗi người làm báo tự trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. (Ảnh: Ngọc Tú)

Mỗi người làm báo tự trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. (Ảnh: Ngọc Tú)

Trên thực tế hiện nay, nhiều nhà báo đã nêu gương tốt trong thi hành pháp luật. Bên cạnh việc biểu dương những người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, thì người làm báo đã tích cực đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các hành vi tiêu cực, chống tham nhũng, buôn lậu, các tệ nạn xã hội,… góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Nâng cao năng lực nghề nghiệp phù hợp với xu thế thời đại

Trong kỷ nguyên số, việc đổi mới hoạt động báo chí, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức và bản lĩnh làm nghề, hướng tới xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn là vấn đề rất cấp thiết. Để làm được điều đó, ngoài những người làm báo thì không ai có thể làm được, vì chính tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo là hạt nhân để xây dựng nên tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại. Tuy nhiên, bản lĩnh và phẩm chất của người làm báo không phải tự nhiên mà có, nó được sinh ra từ sự học tập, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút.

Chính vì vậy, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên cần tự giác trau dồi, rèn luyện, trở thành những người làm báo đa năng và đa nhiệm, với tính độc lập rất cao, chuyên nghiệp trong các công đoạn trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, vừa viết, vừa biết chụp ảnh, quay phim, dựng video, làm infographic, E-magazine, longform, sản xuất podcast,… biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật đa phương tiện; có phông kiến thức vững chắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nắm vững các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh,… vừa theo những chuẩn mực quy định, vừa có phong cách sáng tạo, độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân, thương hiệu riêng của mình.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok,… để đưa các thông tin, bài viết của đơn vị, quảng bá các bài viết của báo điện tử cũng như nhiều hoạt động của báo trên mạng xã hội, tạo hiệu quả cao trong tương tác với công chúng. Trong thời đại công nghệ số, báo chí đa nền tảng phát triển mạnh mẽ thì người làm báo cần cập nhật các xu hướng, nhanh nhạy nắm bắt thông tin trên các nền tảng mạng xã hội cũng như sử dụng mạng xã hội hiệu quả và trách nhiệm.

Vì thế, mỗi người làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số cũng cần phải biết sử dụng và khai thác triệt để các nền tảng mạng xã hội để phục vụ cho hoạt động báo chí truyền thông; biết thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của bạn đọc, xử lý thông tin từ phía công chúng qua các nền tảng mạng xã hội; nhạy bén và thành thạo kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng thu thập, khai thác, xử lý, kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội,... Đặc biệt, để chiếm ưu thế so với mạng xã hội, người làm báo thời đại mới không chỉ thuần túy đưa tin tức, mà còn phải biết bình luận, phân tích, dự báo và đề xuất giải pháp, thể hiện quan điểm cá nhân và cung cấp cơ sở giúp bạn đọc có góc nhìn đa chiều, chính xác hơn về vấn đề mà báo chí đã thông tin, góp phần định hướng dư luận và điều chỉnh xã hội.

Chính vì ý thức được trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã cụ thể hóa thành 10 điều quy định đạo đức của người làm báo và Chương trình hành động của hội về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Có thể xem đây là bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, mang tính dẫn dắt, hướng dẫn, đòi hỏi mỗi người làm báo phải luôn tuân thủ bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình. Cùng với Luật Báo chí 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động báo chí, trong đó có quy định riêng đối với phóng viên khi tham gia mạng xã hội, sử dụng thông tin trên mạng xã hội.

Đọc thêm