Cụ thể, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời. Còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Cổ nhân từng nói: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Cấp trên dù có sáng suốt, quyết tâm đến mấy, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thì chính sách sẽ chậm đi vào cuộc sống, khó tạo ra chuyển biến tích cực.
Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Khách quan ở đây là cơ chế, chính sách còn một số bất cập; hành lang pháp lý về một số vấn đề còn mâu thuẫn, xung đột. Về chủ quan là một số cán bộ, từ chủ trì đến thừa hành thiếu dũng khí. Để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, phải giải quyết đồng thời các nguyên nhân. Tuy nhiên, để hoàn thiện được cơ chế, chính sách cần có thời gian rà soát, bổ sung, ban hành mới. Do vậy, về chủ quan, cần thiết phải chọn ra được đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Theo đó, trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm, có những đề xuất đổi mới nhưng kết quả thực hiện thí điểm không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp.
Cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ai có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần tháo gỡ, giải quyết những “điểm nghẽn, nút thắt” trong cơ chế, chính sách chưa (dù chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật); nhưng mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung; đều được hoan nghênh.
Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 968/CĐ-TTg tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tinh thần “3 không”, Công điện nêu rõ “không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm”, đã được thể hiện bằng kỷ luật; một lần nữa khiến chúng ta tin tưởng; nhất định vấn đề một số cán bộ né tránh, sợ sai sẽ được sớm giải quyết dứt điểm, triệt tiêu.