Tình tiết ít biết về Trung tướng Trung Quốc đầu tiên bị tử hình vì tham nhũng

(PLO) -Ngày 10/8/2015, Tòa án quân sự Trung Quốc đã kết thúc phiên tòa xét xử Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần (TCHC) về các tội tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ, lạm dụng chức quyền, sử dụng tiền công trái phép với mức án phạt tử hình (hoãn thi hành 2 năm), tước quyền chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản, thu hồi tất cả tang vật, bãi bỏ quân hàm trung tướng.
Cốc Tuấn Sơn (trái) và Từ Tài Hậu

Đã gần hai năm trôi qua, những tình tiết ít người biết về tội lỗi của Cốc Tuấn Sơn mới dần dần được báo chí Trung Quốc phanh phui…

Bị bắt và khám nhà

15h chiều ngày 3/2/2012, khi Cốc Tuấn Sơn đáp máy bay quân sự từ Bắc Kinh đến Sơn Đông thị sát công tác xây dựng thì bị lực lượng cảnh vệ của Quân ủy đợi sẵn, bắt giữ. Cốc Tuấn Sơn cố tỏ vẻ bình tĩnh: “Đừng có đùa chứ!”.

Khi được đưa cho xem Lệnh bắt có chữ ký của lãnh đạo Quân ủy, Sơn lắp bắp: “Là Từ chủ tịch (Phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu), Liêu chủ nhiệm (Liêu Tích Long, Chủ nhiệm TCHC), Lưu chính ủy (Lưu Nguyên, chính ủy TCHC)…cử người bắt tôi ư? Thật thế sao…”. Đến khi được áp giải về trại giam quân sự của Quân ủy ở Tùng Sơn thì Cốc Tuấn Sơn đã mềm nhũn người. Khi giao cho cơ quan tư pháp xét hỏi, mỗi ngày Sơn khóc tới mấy tiếng đồng hồ.

Đêm khuya ngày 12/1/2013, nhà ở của Cốc Tuấn Sơn bị khám xét. Hơn 20 cảnh sát vũ trang mặc thường phục xếp hai hàng dài đứng quay mặt vào nhau trước cổng, từng thùng Mao Đài mang chữ “Quân ủy chuyên dụng tửu” được chuyền tay đưa lên các xe tải quân sự thùng bịt kín.

Ngoài ra, còn tìm được tại nhà Sơn một chiếc thuyền lớn bằng vàng ròng ngụ ý “thuận buồm xuôi gió”, một chiếc chậu bằng vàng với ngụ ý “Vàng ngọc đầy bồn” và một pho tượng Mao Trạch Đông bằng vàng. Vụ khám xét bắt đầu từ 13h chiều, làm liên tục trong 2 đêm, các thứ thu được chất đầy 4 xe tải cỡ lớn. Ban ngày, cảnh sát vũ trang thống kê đăng ký, đến đêm khuya thì chất lên xe chở đi vì “sợ dân chúng biết, ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng quân đội”. 

Số liệu báo cáo mà Tuần san Phượng Hoàng số 4/2014 có được cho biết: Tổ chuyên án thu được ở nhà Cốc Tuấn Sơn hơn 1.800 chai Mao Đài, có loại 100 năm, 50 năm và 15 năm; 11 tấm da hổ Đông Bắc, mấy chục cặp ngà voi châu Phi, vốn không tiện để tại nhà ở Bắc Kinh nên cho mang về quê cất giấu. Lúc đầu, ban chuyên án không rõ Sơn cất giấu của cải ở đâu, về sau được một người địa phương phục vụ trong biệt thự chỉ dẫn mới đào được  rất nhiều tang vật, riêng vàng đã tới 400kg.

Hối lộ để tạo quan hệ

Cốc Tuấn Sơn sinh tháng 10/1956 tại Bộc Dương, Hà Nam, con nhà nông, 17 tuổi học xong Sơ trung (Phổ thông cơ sở) rồi nhập ngũ. Lúc đầu Sơn làm lính tại trung đội 2, đại đội cơ vụ, trung đoàn 48 sư đoàn 16 không quân Quân khu Thẩm Dương. Năm 1974, là trung đội trưởng phụ trách bảo dưỡng đồng hồ máy bay và đồ điện.

Sơn kém về nghiệp vụ chuyên môn, nhưng giỏi về mặt quan hệ, đã làm quen rồi “tấn công” Trương Tố Yến  - con gái chính ủy trung đoàn Trương Long Hải. Lúc đầu, mối quan hệ này bị Trương Long Hải phản đối, hai người đã đặt ông bố trước sự đã rồi, buộc phải chấp thuận cho kết hôn.

Tháng 6/1985, khi Quân ủy chủ trương giảm 1 triệu quân, để tránh con rể bị loại ngũ vì không đảm bảo yêu cầu chất lượng, Trương Long Hải thông qua bạn bè ở Quân khu Tế Nam đưa Sơn về Phân quân khu Bộc Dương là quê hương ông ta; Trương Tố Yến được chuyển ngành về công tác tại Cục Công an Bộc Dương.

Do không có nghiệp vụ gì, Sơn được giao quản công tác tăng gia sản xuất (gọi là ngành nghề thứ 3) nhưng khéo léo sử dụng chính sách địa phương chi viện xây dựng quân đội, nhanh chóng móc quan hệ với các cán bộ ở mỏ dầu Trung Nguyên, mua với giá rẻ số lượng lớn sắt thép, gỗ, xăng dầu rồi mang bán với giá cao, kiếm được khoản tiền rất lớn, sử dụng số tiền đó để biếu lãnh đạo nên nhanh chóng chiếm được tình cảm và sự tin cậy của các lãnh đạo Phân quân khu.

Một cán bộ cùng thời với Cốc Tuấn Sơn ở Bộc Dương kể lại: “tài năng” lớn nhất của Sơn là “đi đường lối lãnh đạo”, tạo mối quan hệ. “Chỉ cần đến nhà lãnh đạo một lần là Sơn biết ngay gia đình sếp thiếu thứ gì. Với một người như thế thì lãnh đạo có cứng đến mấy cũng bị ông ta dùng tiền bạc chinh phục”. 

Triết lý nhân sinh của Sơn là “Chỉ cần có tiền, không có việc gì không làm được, mọi con đường khó đến mấy cũng thông suốt”. Khi Phân quân khu Bộc Dương liên kết với mỏ dầu Trung Nguyên mở nhà máy liên doanh sản xuất cao su, Cốc Tuấn Sơn được giao làm Phó giám đốc. Tháng 3/1993, Sơn được đề bạt làm Trưởng phòng Hậu cần Phân quân khu – cán bộ cấp phó trung đoàn.

Năm 1994, nhân việc Từ Tài Hậu - thủ trưởng Quân khu Tế Nam - về Bộc Dương thị sát kiểm tra, Cốc Tuấn Sơn phụ trách hậu cần, tiếp đón rất chu đáo khiến thủ trưởng rất hài lòng, nên năm 1995 Sơn được điều lên làm Phó chủ nhiệm Văn phòng sản xuất Quân khu Tế Nam, cán bộ cấp trưởng trung đoàn. 

Thuyền vàng “Thuận buồm xuôi gió” Cốc Tuấn Sơn cất giấu

Từ đó, quan lộ bắt đầu hanh thông, ít lâu sau được thăng chức Phó giám đốc Học viện chỉ huy lục quân Tế Nam, cán bộ cấp phó sư đoàn và có cơ hội đi học bổ túc Đại học Quốc phòng. Tháng 7/2001, Cốc Tuấn Sơn được điều về Bắc Kinh giữ chức Phó Cục trưởng quản lý doanh trại, hai năm sau được phong hàm Thiếu tướng.

Tháng 6/2007, Sơn được thăng chức Cục trưởng quản lý doanh trại, Chủ nhiệm Văn phòng cải tạo nhà đất quân đội; cuối năm 2009, được thăng làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách công tác xây dựng cơ bản và năm 2011, thăng hàm Trung tướng. 

Cốc Tuấn Sơn còn bị tố giác làm giả lý lịch để được thăng tiến. Sau khi Sơn bị điều tra trên mạng xã hội đã xuất hiện một tài liệu nhan đề “Thư ngỏ gửi cán bộ, chiến sĩ toàn quân về việc vụ án Cốc Tuấn Sơn không thể đi sâu điều tra, trong đó vạch ra 5 điểm làm giả trong hồ sơ của Sơn, bao gồm:

Thứ nhất, giả năm tháng: Năm sinh của Sơn đúng ra là 1952 nhưng đã được sửa thành 1954, sau đó sửa tiếp thành 1956, 3 lần thay đổi.

Thứ hai là làm giả việc lập công được khen thưởng: Trong bản khai hồ sơ lý lịch năm 1993 chỉ ghi: lần đầu được thưởng huy chương hạng 3 năm 1992; nhưng đến khi bổ sung hồ sơ năm 1995 lại ghi 5 lần được thưởng huy chương vào các năm 1988, 1989, 1990, 1991, 1992.

Thứ ba là làm giả học lực. Sơn học hành rất ít, nhưng hồ sơ lý lịch lại khai tốt nghiệp Trường kỹ thuật số 2 Không quân, sau bổ sung tốt nghiệp Học viện giáo dục Bộc Dương, sau lại thêm đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, đại học, nghiên cứu sinh, thậm chí trở thành giáo sư, thày giáo hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ…Tất cả các học hàm học vị đó đều là giả mạo.

Thứ tư là khai báo lừa dối về con cái: Trong hồ sơ lý lịch chỉ ghi có 1 con gái, nhưng trong máy tính của Cục Cán bộ- Tổng cục Chính trị - có thể thấy Sơn còn có 1 con trai nữa, đều đã tốt nghiệp đại học. Theo quy định, Sơn đã vi phạm chính sách 1 con, phải bị kỷ luật.

Toàn quân năm nào cũng xử lý kỷ luật những cán bộ che giấu chuyện sinh con thứ 2, tại sao Cốc Tuấn Sơn lại thoát, nhất là sau khi trở thành cán bộ cấp cao, muốn sửa chữa hồ sơ lý lịch thì phải thông qua lãnh đạo và cơ quan cán bộ; nếu không có ý kiến của lãnh đạo và sự thao tác của cơ quan cán bộ thì sao Cốc Tuấn Sơn thoát được kỷ luật. Trước những ý kiến này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung Quốc vào cuộc xác minh, chỉ thông báo Sơn sinh năm 1954, còn lại đều bỏ qua.

Thứ năm là làm giả về xuất thân: Ông Cốc Ngạn Sinh, bố đẻ của Sơn là nông dân bình thường. Có lần Sơn thấy trong danh sách Liệt sĩ Vũ Hoa Đài Nam Kinh có người trùng tên bố mình, liền yêu cầu Cục Dân chính Bộc Dương cấp cho cái Bằng liệt sĩ rồi nói cha là liệt sĩ.

Các liệt sĩ có tên ở Vũ Hoa Đài đều hy sinh năm 1949, Cốc Tuấn Sơn sinh năm 1952, sau đó còn sửa thành 1954, 1956, vậy cha chết mấy năm rồi mới sinh ra Sơn được sao? Thế nhưng do có lãnh đạo Quân ủy “chống lưng”, Sơn vẫn cứ nói bừa lấy được.

Phóng viên Tuần san Phượng Hoàng về Bộc Dương xác minh chi tiết “Cốc Tuấn Sơn tôn cha làm liệt sĩ”, được cơ quan dân chính khu Hoa Long, thị xã Bộc Dương xác nhận, chính Cốc Tuấn Sơn đã gọi điện yêu cầu Cục Dân chính thực hiện việc này. Sơn còn cho xây Lăng mộ liệt sĩ cho cha ở Bộc Dương, thậm chí thuê người viết sách ca ngợi cha…

(Mời xem tiếp số sau)