Tình trạng “tắc” sổ hồng tại TP Hồ Chí Minh: Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành có phương án giải quyết

(PLVN) - Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án chung cư, UBND TP HCM vừa chỉ đạo các sở, ngành rà soát, phân loại dự án để có phương án giải quyết.
Tình trạng chậm cấp sổ hồng khiến khách hàng và doanh nghiệp bất động sản xảy ra mâu thuẫn.
Tình trạng chậm cấp sổ hồng khiến khách hàng và doanh nghiệp bất động sản xảy ra mâu thuẫn.

Cụ thể, UBND TP chia các dự án xây dựng nhà ở chung cư trên địa bàn thành phố thành 2 loại để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, cấp sổ hồng. 

Loại 1 gồm các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín như bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…, toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở. 

Loại 2 gồm các dự án chung cư quy mô lớn, có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài diện tích đất xây dựng chung cư còn có các công trình tiện ích khác như khu thương mại, thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện hoặc các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng ngoài dự án… diện tích đất xây dựng chung cư được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án được duyệt.

Đối với các dự án chung cư thuộc loại 2 được chia làm 3 nhóm, đó là: Nhóm đất xây dựng chung cư phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở thì cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất;

Nhóm đất xây dựng công trình công cộng như công viên, bệnh viện, trường học…, Nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư và khuyến khích cho chủ đầu tư tham gia;

Nhóm đất xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật như cấp – thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn chỉnh để bàn giao cho địa phương quản lý. Phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp giấy chủ quyền. 

Về phương thức xử lý, TP giao Sở TN&MT chủ trì và phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT… tiến hành rà soát các quy định trước đây. Đồng thời, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt tập trung tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Đối với những dự án mới, các đơn vị tiến hành tham mưu xác định rõ ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở. Từ đó cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Lãnh đạo thành phố cũng giao cho Sở TN&MT hệ thống hóa quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến Hiệp hội Bất động sản TPHCM và Bộ TN&MT, sau đó trình Thường trực UBND thành phố để thống nhất chủ trương áp dụng chung trên toàn TP, hoàn thành báo cáo trong thời hạn 1 tháng.

Trước đó, theo dữ liệu của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp.

Dẫn đầu là Tập đoàn Hưng Thịnh (ghi nhận 7.944 căn), Tập đoàn Novaland (6.118 căn), Công ty Quốc Cường Gia Lai (3.414 căn), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (1.377 căn), Cty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (1.092 căn). Ngoài ra, còn có hai công ty bất động sản khác lần lượt 3.489 căn và hơn 1.000 căn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, việc “tắc tiền” sử dụng đất khiến hàng chục ngàn căn hộ bị “treo” sổ hồng là vấn đề bức xúc của khách hàng lẫn doanh nghiệp thời gian qua.

Ông Châu nói rằng, Hiệp hội đã đề xuất tháo gỡ khó khăn nhưng quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu và việc tắc tiền sử dụng đất có nhiều nguyên nhân.

Chủ tịch HoREA cho rằng, việc chậm cấp sổ hồng chủ yếu do chủ đầu tư bị ách tắc trong việc xác định và nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, nguyên nhân do công tác thực thi pháp luật của một số cơ quan chuyên môn và cán bộ công chức còn bất cập, có những quy định như “đánh đố”, làm cán bộ lúng túng. 

Về vấn đề này, trả lời báo chí, ông Trần Văn Thạch, PGĐ Sở TN&MT TP thừa nhận, thủ tục cấp sổ hồng cho người dân còn chậm so với thực tế. Nguyên nhân chính do vướng mắc về kỹ thuật và pháp lý trong quy trình xác định giá đất.

Theo ông Thạch, với các dự án quy mô lớn có thời gian triển khai kéo dài, trong quá trình thực hiện có nhiều luật, quy định được điều chỉnh nên dẫn đến khó khăn khi giải quyết pháp lý. Có dự án trong quá trình triển khai có điều chỉnh quy hoạch, đến khi hoàn thành phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Lúc này, nhiều quy định đã thay đổi, phát sinh.

Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin thêm, hiện TP.HCM còn hơn 100 hồ sơ dự án đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.

Trước đó, cuối tháng 9/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8080/VPCP-NN gửi Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và UBND TP HCM tăng cường công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, Chính phủ giao cho UBND TP HCM tập trung chỉ đạo Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ TN&MT, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu Công văn số 3461/UBND-ĐT của UBND TP HCM, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong công văn theo chức năng, thẩm quyền.

Đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra UBND TP thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân thành phố có sổ hồng.

Đọc thêm