Tỉnh Vĩnh Phúc thành công nhờ đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, đánh giá cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2022, 17/17 chỉ tiêu kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc đều đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Dưới góc độ điều hành, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, sự đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, đánh giá cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra giám sát, siết chặt kỷ luật kỷ cương đã góp phần làm nên kết quả này.
 Tỉnh Vĩnh Phúc thành công nhờ đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, đánh giá cán bộ

Nhân dịp Xuân mới Quý Mão, PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc .

Thưa ông, nhìn lại năm 2022 vừa qua, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

- Đó là năm đặc biệt khó khăn với Vĩnh Phúc. Năm 2020 - 2021, dịch COVID-19 chưa phát sinh nhiều như năm 2022. 5 tháng đầu năm 2022, có những ngày Vĩnh Phúc có hàng chục nghìn ca bệnh, đỉnh điểm có ngày lên tới 15 nghìn ca. Toàn bộ lực lượng, từ công an đến giáo viên, phải huy động vào công tác chống dịch. Cùng với đó là tình hình thế giới tác động mà Vĩnh Phúc là địa phương có kinh tế mở khi đầu tư nước ngoài đóng góp 70- 80 % nền kinh tế. Do đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như các cuộc chiến tranh thương mại ảnh hưởng nghiêm trọng đến Vĩnh Phúc. Năm 2022 cũng là năm Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với hàng nghìn hecta lúa bị ngập, riêng 3 ngày trong tháng 5, lượng mưa lên tới 980 mm, toàn bộ nước từ dải núi Tam Đảo đổ xuống TP Vĩnh Yên ngập đến 1m….

Một trong những vấn đề nữa là năm 2022 là năm Vĩnh Phúc tập trung rà soát những hạn chế, khó khăn điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy năm 2022, Vĩnh Phúc phải chú trọng thực hiện rất nhiều trong công tác kiểm tra giám sát, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ công việc…

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và những giải pháp cụ thể của UBND, Vĩnh Phúc đã tập trung cao độ trong việc: Tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, những điểm nghẽn; Phân cấp phân quyền; Sử dụng hợp lý các nguồn lực; Và tăng cường quản lý trên các lĩnh vực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ công chức…

Nhờ đó, năm 2022, Vĩnh Phúc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây; GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc; Thu ngân sách cán mốc mới 40 ngàn tỷ đồng, đạt mục tiêu của nhiệm kỳ; Cơ cấu tín dụng chủ yếu cho vay sản xuất; nợ xấu chiếm 0,71% tổng dư nợ; Cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu (chỉ số PCI xếp thứ 5, chỉ số Par index xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12… toàn quốc), là một trong 3 địa phương được VCCI tặng giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2022;Thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra ở mức cao, sau 2 năm đạt 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ (từ 2- 2,5 tỷ USD)…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành làm việc với chủ đầu tư hạ tầng KCN Nam Bình Xuyên về tình hình tiến độ đầu tư dự án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng KCN Nam Bình XuyênPhó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành làm việc với chủ đầu tư hạ tầng KCN Nam Bình Xuyên về tình hình tiến độ đầu tư dự án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng KCN Nam Bình Xuyên

Dường như tinh thần quyết liệt trong phương thức chỉ đạo điều hành từ “thời” đầu chống dịch COVID-19 vẫn được duy trì, thưa Chủ tịch?

- Đúng vậy! Có thể nói phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đổi mới rất rõ nét. Dưới góc độ Ủy ban, có thể nói việc ban hành các Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh ủy rất tập trung; Thứ hai là sự vào cuộc của cấp ủy các cấp trong việc tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thực hiện các đột phá đã nêu trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Thường thì trước đây mỗi nhiệm kỳ chỉ kiểm tra 1-2 lĩnh vực nhưng năm 2022 vừa qua Ban thường vụ tỉnh ủy kiểm tra 5 lĩnh vực. Việc này ảnh hưởng đến thời gian cũng như tiến độ công việc, nhưng nó góp sức rất nhiều trong việc làm thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị, thay đổi nhận thức của các cơ quan thuộc chính quyền và thúc đẩy công việc rất nhiều.

Có thể nói phương thức lãnh đạo của Đảng trong năm vừa qua đã được đổi mới rõ nét; Cấp ủy, chính quyền ngày càng sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân và hướng tới nhân dân…

Trong năm, tỉnh đã ban hành 3 Nghị quyết liên quan đến an sinh xã hội (về giáo dục, y tế, văn hoá và con người Vĩnh Phúc); 44 cơ chế, chính sách; trong đó chủ yếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho nhân dân; các chính sách rất sát, đúng và hướng tới người dân..

Doanh nghiệp FDI có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của Vĩnh Phúc

Doanh nghiệp FDI có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của Vĩnh Phúc

Có lẽ cũng từ năm COVID-19 đầu tiên, Vĩnh Phúc đã có lối đi riêng trong công tác đánh giá cán bộ. Trong năm qua, cán bộ công chức của Vĩnh Phúc đã “quen” với cách đánh giá này chưa, thưa Chủ tịch?

- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ là một trong những điểm sáng của Vĩnh Phúc trong năm 2022. Đó là phân công, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; thực hiện giao việc và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 43 người đứng đầu các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các sở, ban, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và mang lại hiệu quả cao.

Năm 2022 là năm thứ ba đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Năm đầu, Vĩnh Phúc đã gặp sự phản ứng, thậm chí không đồng thuận của các Sở ban ngành, đặc biệt đến năm 2022, khi Vĩnh Phúc hoàn thiện cơ chế và giao 5 nhiệm vụ cho người đứng đầu, như đồng chí Bí thư có nói, rất nhiều người phản ứng rất mạnh mẽ: “Giao như thế chúng tôi làm sao làm đuợc”. Nhưng cuối năm đánh giá cho thấy kết quả rất tốt, rất nhiều tồn tại, hạn chế, những điểm nghẽn đã tồn tại 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm đã được giải quyết trong năm 2022. Có những vụ việc đã được giải quyết xong, có những vụ việc vẫn chưa được giải quyết, có những vụ việc hiện mới chỉ đặt trên bản các cấp, các ngành, từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Dù chưa được giải quyết xong nhưng những vụ việc đó đã được nêu ra xới xáo…, tôi cho đó cũng là thành công…

Được biết, năm vừa rồi, Vĩnh Phúc cũng rất quyết liệt trong xử lý cán bộ công chức. Xem ra tỉnh không “giơ cao, đánh khẽ”?

- Giao nhiệm vụ nhưng không giao trắng, Đây cũng là một nội dung đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành liên quan đến Ban cán sự Đảng Ủy ban, liên quan đến các cấp các ngành kể cả cấp huyện. Đó là, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp thông qua việc kiểm tra giám sát của đảng, thanh tra, kiểm tra và giám sát chính quyền.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chủ trì Hội nghị triển khai công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của ĐảngBí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan chủ trì Hội nghị triển khai công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng

Mặc dù trong năm 2022 có rất nhiều đoàn kiểm tra, mặc dù số cán bộ công chức phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật lớn hơn các năm trước, nhưng tôi có thể khẳng định, hệ thống chính trị của Vĩnh Phúc rất ổn, nhận thức được nâng lên. Nhận thức về ý thức trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương với công việc được giao tốt hơn rất nhiều. Quan điểm của Vĩnh Phúc rất rõ, chúng tôi làm rất nghiêm nhưng cũng luôn tạo cơ hội cho các cấp các ngành, đặc biệt cho từng cán bộ thay đổi…

Cùng với đó, Vĩnh Phúc cũng đổi mới hoạt động của HĐND các cấp thông qua chất lượng các hoạt động giám sát, chất vấn sâu sát, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm; cụ thể: Tăng cường hoạt động giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề nóng, điểm nghẽn của tỉnh được thảo luận, chất vấn, tháo gỡ tại kỳ họp. Tất cả những vấn đề chất vấn đã tạo ra sự chuyển biến từ cấp tỉnh đến cấp xã…

Có thể nói, hoàn cảnh chống dịch COVID-19 từ những ngày đầu buộc chúng tôi phải có những phương thức chỉ đạo điều hành phù hợp. Qua thời gian, phương thức đó dần hoàn thiện với mục tiêu cuối cùng chính là phục vụ nhân dân, con người là trung tâm cho mọi quyết định, xây dựng xã hội ổn định, an toàn, môi trường sống, điều kiện sống tốt nhất cho người dân.

Xin trân trọng cám ơn Chủ tịch!

Người dân háo hức đón giao thừa tại đón giao thừa ở Quảng trường văn hóa huyện Yên Lạc.

Người dân háo hức đón giao thừa tại đón giao thừa ở Quảng trường văn hóa huyện Yên Lạc.

Đọc thêm