Tình yêu thương con giúp góa phụ ung thư chống chọi “tử thần”

(PLO) - Chị Dung tâm sự, từ khi mắc bệnh ung thư, chị cảm thấy như mình sống vội vàng hơn. Mỗi ngày, chị cố gắng tìm niềm vui trong công việc để kiếm tiền trị bệnh, để nuôi con và lo tích cóp để lỡ mình có mất đi, sẽ có chút gì đó để lại. 
Hai con nhỏ là nguồn động viên lớn để chị Dung chống chọi với bệnh tật.
Hai con nhỏ là nguồn động viên lớn để chị Dung chống chọi với bệnh tật.

“Hồi mới bị bệnh, tôi hay ngắm lại các bức ảnh lúc còn có tóc, có lông mi, lông mày và thương cho thân mình, nghĩ có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình được xinh đẹp như xưa nhưng bây giờ tôi không nghĩ thế nữa. Đầu không tóc cũng có nét đẹp riêng”, chị tươi cười. 

28 tuổi, nhưng chị Dung phải trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, mất chồng, nợ nần, mang trong mình nhiều trọng bệnh. Nhưng thay vì đắm chìm trong đau khổ, chị luôn yêu đời, lạc quan hướng tới tương lai.

Bất hạnh liên tiếp

Hơn 5 tháng trước, chị Nguyễn Thị Dung (SN 1990), trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bất ngờ phát hiện mình mắc bệnh ung thư hạch thể amidan, giai đoạn 3. “Hai từ ung thư khiến tai tôi ù lên. Tôi vô cùng hoang mang, sợ hãi”, chị nói. 

Chưa hết, chị Dung còn bị chẩn đoán hở van tim, hở cuống phổi và viêm gan B tiềm ẩn. Nhưng điều khiến chị lo lắng hơn là tương lai của hai đứa con thơ mới 8 tuổi và 4 tuổi. Bởi, suốt hơn 3 năm nay, một tay chị chăm sóc hai đứa con thơ sau khi người chồng đột ngột ra đi. 

Nhắc lại chuyện buồn, giọng chị Dung trầm xuống: “Nhịn ăn, nhịn uống, tích góp mãi vợ chồng tôi mới có được nơi ở. Vậy mà khi nhà vừa xong, chúng tôi phải lo trả nợ thì mỗi người một ngả, chồng tôi đã về thế giới bên kia, còn tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Căn nhà mà chúng tôi hằng mơ ước giờ đành khóa cửa…”.

Trước đó, sau 8 năm chung sống, tích góp, vợ chồng chị Dung quyết định vay mượn thêm tiền để cất căn nhà nhỏ. Nhưng đi đôi với niềm vui có ngôi nhà mới là gánh nặng nợ nần. Trước áp lực kinh tế, hai vợ chồng đành chọn phương án tạm chia ly để kiếm tiền. Chị Dung ôm đứa con thứ hai mới hơn 1 tuổi vào miền nam làm thuê, còn chồng ở nhà làm ruộng, nuôi con trai đầu.

Đau đớn thay, vừa nhận lương tháng lương đầu tiên đúng 2 ngày, chị nhận hung tin chồng mất do bị điện giật. “Lúc đó, tôi chỉ biết ôm con khóc, ra bắt xe về quê chịu tang chồng. Căn nhà chưa hết mùi sơn thì anh ấy đã ra đi không một lời từ biệt vợ con”, chị buồn rầu. 

Lo mai táng cho chồng xong, chị ở lại quê hương khói cho chồng và tiện chăm sóc hai con nhỏ. Tuy nhiên, vì khoản nợ tiền xây nhà còn nhiều nên sau Tết năm 2016, chị Dung đành gạt nước mắt gửi một đứa con cho ông bà nội nuôi, ôm con gái vào niềm nam làm thuê. Một mẹ, một con cảnh ở trọ khiến nhiều lúc chán nản, nhưng vì tương lai hai đứa con nhỏ, chị tự động viên mình cố gắng.

Không ngờ bệnh tật tiếp tục bủa vây gia đình này. Cháu bé Trần Ánh Nguyệt (4 tuổi) sau vài tháng theo mẹ vào nam mưu sinh bỗng sốt cao, chán ăn. Sau thời gian tự lấy thuốc về điều trị không được, chị Dung mới đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Tại đây, cháu Nguyệt được chẩn đoán bị bạch cầu cao. Do bảo hiểm của cháu trái tuyến nên tất cả mọi chi phí thuốc men gia đình đều phải bỏ tiền túi chi trả. Sau một tháng cầm cự, hai mẹ con đành bắt xe về quê khi tiền trong túi đã hết sạch. 

Về quê, chị may mắn được hợp đồng nấu ăn cho trường mẫu giáo trên địa bàn và tiện chăm sóc hai đứa con thơ đã mồ côi bố. Khi hợp đồng một năm với nhà trường hết, chị lại tất bật đi tìm công việc mới. Cũng trong thời gian này, chị thấy sức khoẻ giảm sút, mệt mỏi, chán ăn, cổ họng đau mỗi khi nuốt nước miếng và hay đau lưng... Thế nhưng, vì hoàn cảnh, người phụ nữ ấy chỉ uống vài liều thuốc cảm rồi cứ thế làm việc.  

Mãi đến tháng 3/2018, chị Dung mới quyết định đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu thăm khám. Tại đây, chị được chỉ định đi tuyến trên gấp. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị vội vàng khăn gói vào thành phố khám bệnh. Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, chị Dung được chẩn đoán bị ung thư hạch thể amidan giai đoạn 3, kèm theo các bệnh hở van tim, hở cuống phổi và viêm gan B tiềm ẩn.

Chị Dung kể, bác sỹ nói bệnh ung thư đã nguy hiểm, lại thêm bệnh về tim, phổi, gan khiến việc điều trị càng khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu. Do không thể can thiệp bằng dao kéo nên phác đồ điều trị của chị Dung chỉ truyền hoá chất.

Khát vọng sống

Từ ngày vào viện điều trị, chị đành để hai đứa con nhỏ nhờ ông bà nội chăm sóc. Nỗi nhớ con quay quắt, cùng với cơn đau vì những đợt truyền hóa chất khiến nhiều đêm liền chị mất ngủ. Thế nhưng, chị rất ít khi để người khác biết được nỗi đau của bản thân. Những lúc như vậy, chị lại tìm niềm vui từ những câu chuyện của hai đứa con qua điện thoại.  

Chị Dung tâm sự, mấy lần vì nhớ mẹ, hai anh em nằng nặc đòi người thân đưa vào viện thăm. Vừa thấy mẹ, cháu bé liền sà vào lòng đòi vỗ về. “Thấy tóc tôi rụng hết, con bé ngây thơ cười, khen đẹp. Nghe con nói mà tôi chỉ biết cố giấu nước mắt”, chị tâm sự. 

Những ngày ở viện, hạnh phúc nhất với chị là có các con ở bên.
Những ngày ở viện, hạnh phúc nhất với chị là có các con ở bên.

Nhưng cũng có nhiều khi cô bé 4 tuổi nhìn mẹ rồi hỏi với giọng nghiêm trọng: “Mẹ chết rồi, con sống với ai?”. Câu hỏi của đứa con nhỏ như nhát dao cứa vào lòng. Chị nghẹn ngào: “Những lúc như vậy, tôi chỉ biết khóc, thương cho phận mình, thương cho hai đứa con nhỏ. Đáng lẽ bằng tuổi chúng nó được sự vỗ về của cha mẹ, đằng này…. Tôi chỉ sợ mình không qua khỏi”.

Riêng với đứa con trai đầu, em đã phần nào hiểu rõ bệnh tình mẹ mắc phải nên thường gọi điện động viên: “Mẹ nhanh về, con sẽ nấu cơm cho mẹ ăn”. Chính sự động viên của các con đã tiếp thêm động lực cho góa phụ trẻ chiến đấu với bệnh tật, đấu tranh để được sống. 

Lạc quan là vậy, nhưng chị Dung không khỏi lo lắng về bệnh tình của mình. Chị chia sẻ, do có nhiều vấn đề cùng một lúc như viêm gan B, hở van tim, hở cuống phổi nên việc điều trị bệnh ung thư cần phải xem xét nhiều phương án chứ không như các bệnh nhân khác.

Các bác sỹ cũng đã đề cập đến phương án ghép tủy cho chị Dung, nhưng vì chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng nên bệnh nhân này đành lưỡng lự. Chị vẫn thường nói với người thân, bạn bè: “Em còn trẻ nên sức đề kháng tốt, vì thế em phải thử hết các phương án bác sỹ đề ra”. Đó cũng là lời chị tự động viên bản thân mình để chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Chị tâm sự, từ khi mắc bệnh ung thư, chị cảm thấy như mình sống vội vàng hơn. Mỗi ngày, chị cố gắng tìm niềm vui trong công việc để kiếm tiền trị bệnh, để nuôi con và lo tích cóp để lỡ mình có mất đi, sẽ có chút gì đó để lại. “Hồi mới bị bệnh, tôi hay ngắm lại các bức ảnh lúc còn có tóc, có lông mi, lông mày và thương cho thân mình, nghĩ có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình được xinh đẹp như xưa nhưng bây giờ tôi không nghĩ thế nữa. Đầu không tóc cũng có nét đẹp riêng”, chị tươi cười. Giờ đây, mỗi khi được xuất viện về quê là chị lại tự tin mới mái tóc giả ngắn. Chị còn đùa rằng, mái tóc ngắn trông hợp với mình hơn vì trẻ trung, năng động.

Dù đau buồn, nhưng goá phụ trẻ vẫn cố lấy lại tinh thần để chống chọi với bệnh tật. Chị bộc bạch: “Những người bệnh tôi quen cũng lạc quan giống tôi. Chúng tôi không sợ hóa chất, không sợ rụng tóc, xấu xí, không hấp tấp điều trị khắp nơi, cứ âm thầm, bình tĩnh và lặng lẽ chiến đấu. Với những người không may bị ung thư như chúng tôi quan trọng nhất là lòng ham sống và tinh thần lạc quan. Giờ đây, tôi phải sống vì hai đứa con. Đó cũng là động lực duy nhất để tôi vững lòng điều trị căn bệnh này”.

Ông Hồ Thế Viên, trưởng xóm 12, xã Quỳnh Thanh xác nhận gia đình chị Nguyễn Thị Dung thuộc diện hộ nghèo. Ông Viên cho hay, chồng mất, hai con còn nhỏ lại hay đau ốm, nay chị Dung lại mắc bệnh hiểm nghèo nên rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. 

Đọc thêm