TKV trần tình việc xuất khẩu 2 triệu tấn “vàng đen”

(PLO) - Việt Nam vẫn đang nhập khẩu than để phục vụ nền kinh tế, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và TCty Đông Bắc vẫn tiến hành xuất khẩu “vàng đen” với con số 2 triệu tấn trong năm 2016. Có gì “nghịch lý” trong chuyện này?
Năm 2016, Việt Nam dự kiến khai thác 35 triệu tấn than sạch
Năm 2016, Việt Nam dự kiến khai thác 35 triệu tấn than sạch

Xuất than tốt để tránh lãng phí

Theo TKV, trong năm 2015, nhận thấy nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng cao, Chính phủ đã chỉ đạo dừng xuất khẩu nhiều loại than, trong đó có than cám, nhằm dự trữ nhiên liệu cho các nhà máy điện trong nước. Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập than để phục vụ sản xuất điện và có xu hướng nhập nhiều hơn trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, sản xuất than phục vụ nhu cầu trong nước, đặc biệt cho điện là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TKV. Trong quá trình sản xuất, sàng tuyển than sẽ tạo ra những loại than chất lượng khác nhau. Trong đó, ngoài những chủng loại than phục vụ nhu cầu trong nước (đặc biệt cho phát điện) thì có những chủng loại than cục và than cám chất lượng cao tồn tại đồng hành trong cơ cấu sản phẩm sau sàng tuyển, chế biến.

“Hiện nay, trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết những loại than chất lượng này; nếu đem pha trộn để tạo những chủng loại than chất lượng thấp hơn cho nhu cầu trong nước thì sẽ lãng phí, không sử dụng hiệu quả tài nguyên than. Hơn nữa, nếu để lâu than tốt sẽ bị phong hóa, giảm chất lượng và giá trị. Trong khi đó, nếu xuất khẩu thì 1 tấn than chất lượng cao có thể mua được khoảng 2 tấn than cung cấp cho sản xuất điện”, ông Biên nói.

Phó Tổng Giám đốc TKV giải thích thêm, thực tế các nhà máy nhiệt điện trong nước chủ yếu sử dụng than Anthraxit của Việt Nam có chất lượng thấp (nhiệt năng 4.800 - 5.600kcal/kg - các loại cám 5, 6, trong khi các loại than cục, than cám chất lượng cao (từ than cám 3 trở lên - có nhiệt năng từ 7200kcal/kg) cung cấp cho các ngành luyện kim có giá trị kinh tế cao lại dư thừa. Giá bán các loại than này cao hơn khoảng 2 lần so với than bán cho điện. “Như vậy, xét về khía cạnh kinh tế, việc xuất khẩu các chủng loại than chất lượng cao sẽ mang lại giá trị cao”, ông Biên khẳng định.

Than mang về nhiều dự án ưu đãi

Cũng theo Tập đoàn công nghiệp này, những loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết như than cục 4, 5 và than cám 1, 2, 3 đang là những chủng loại phù hợp cho các ngành sản xuất hoá chất, sản xuất thép không gỉ tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cả hai nước trên đang có nhu cầu cao nhập khẩu các loại than tốt. Việc Việt Nam cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn đã tạo điều kiện để Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh với lãi suất ưu đãi, thời hạn dài.

Ngoài ra, nhờ Việt Nam xuất than tốt cho Nhật mà họ có các hoạt động hỗ trợ như thực hiện Dự án đào tạo nguồn nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than của Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và Khoáng sản quốc gia Nhật Bản, đang thực hiện sang năm thứ 14; Dự án Đào tạo nhân lực cho Trung tâm Quản lý khí mỏ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

“TKV đề xuất tiếp tục xuất khẩu than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu hoặc chưa sử dụng hết và nhập khẩu các loại than giá phù hợp cho các nhà máy điện trong nước là hợp lý, phù hợp với quan điểm phát triển ngành, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, Phó Tổng Giám đốc TKV khẳng định với Báo PLVN.

Được biết, sản lượng than nguyên khai sản xuất năm 2015 của TKV là 37,6 triệu tấn; trong đó, than sạch trên 35 triệu tấn. Dự kiến, năm 2016, sản lượng khai thác là 38 triệu tấn than nguyên khai sản xuất; trong đó trên 35 triệu tấn than sạch.

“Hiện nay, trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết những loại than chất lượng cao; nếu đem pha trộn để tạo những chủng loại than chất lượng thấp hơn cho nhu cầu trong nước thì sẽ lãng phí, không sử dụng hiệu quả tài nguyên than. Hơn nữa, nếu để lâu than tốt sẽ bị phong hóa, giảm chất lượng và giá trị. Trong khi đó, nếu xuất khẩu thì 1 tấn than chất lượng cao có thể mua được khoảng 2 tấn than cung cấp cho sản xuất điện trong nước” - Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên

Đọc thêm