Đây là một trong những nội dung Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập khi phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội báo cáo với Quốc hội là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố. Đây cũng là vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội đã có quan tâm đề xuất trong phiên họp này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương để tổ chức thật tốt Lễ tưởng niệm.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. |
Cũng trong kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phần chất vấn đã tập trung và làm rõ thêm những vấn đề cơ bản sau đây.
Thứ nhất, dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát từ ngày 27/4 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có phần trách nhiệm quản lý nhà nước, hơn 1,3 triệu người dân đã nhiều đợt rời bỏ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam về quê.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ cần phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm, giải quyết việc làm cho người lao động của các tỉnh, thành khác trong cả nước khi mà người lao động đã trở về quê.
Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lao động và người lao động bảo đảm cho mọi người được tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, tuyệt đối không để các em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Tiếp tục tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các địa phương khẩn trương làm rõ vấn đề dư luận quan tâm và dị nghị, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm và tiêu cực trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội, tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương đối với những nhóm đối tượng có mức lương thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đặt trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ trước thực trạng lao động hiện nay do tác động của đại dịch COVID-19 chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tổng thể việc sắp xếp, phân bố lại dân cư, lao động trong phạm vi cả nước gắn với xây dựng, bảo đảm nhà ở, cơ sở vật chất, các thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa cho người lao động nhằm phát triển thị trường lao động bền vững, tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.