Tổ chức sự kiện đông người: Rà soát quy định và biện pháp an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên tiếp hai thảm kịch giẫm đạp khiến nhiều người thương vong vừa xảy ra tại Hàn Quốc và Congo đã gây chấn động dư luận thế giới. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các quốc gia khác về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát đảm bảo an toàn tại các sự kiện đông người.
Thảm kịch giẫm đạp khiến nhiều người thương vong vừa xảy ra tại Hàn Quốc .
Thảm kịch giẫm đạp khiến nhiều người thương vong vừa xảy ra tại Hàn Quốc .

Những thảm kịch ám ảnh

Được biết, hai ngày trước Lễ hội Halloween, vào ngày 29/10, giới chức quận Yongsan, nơi có phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đã công bố những biện pháp đảm bảo an toàn cho sự kiện, gồm quy định phòng chống COVID-19, vệ sinh đường phố, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nhà hàng và các biện pháp ngăn người dự hội sử dụng ma túy. Tuy nhiên, họ không có phương án nào để kiểm soát đám đông khi có khoảng 100.000 người đổ về các tuyến phố, ngõ nhỏ. Kết quả đám đông xô đẩy, giẫm đạp nhau khiến 154 người thiệt mạng, trong đó rất nhiều nạn nhân ở độ tuổi 20 và nhiều người bị thương.

Các chuyên gia đã đánh giá, về bản chất của Lễ hội Halloween này là tự phát bởi không bán vé, không có cổng kiểm soát, khác với các sự kiện như buổi hoà nhạc, lễ hội tôn giáo đã được lên kế hoạch cụ thể, có bán vé và cổng kiểm soát để giới hạn lượng người.

Tuy nhiên, ngay cả tại những sự kiện đã có kế hoạch như buổi hoà nhạc cũng không thể tránh khỏi thảm kịch giẫm đạp xảy ra khi đám đông quá lớn, cuồng nhiệt và mất kiểm soát. Đó là tại một buổi trình diễn âm nhạc ở Thủ đô Brazzaville của Cộng hòa Congo vào ngày 30/10. Sân vận động Martyrs, nơi xảy ra vụ việc thương tâm, có sức chứa 80.000 người, tuy nhiên thời điểm diễn ra sự kiện, sân vận động này đã đông nghẹt người.

Lực lượng an ninh trước đó đã bắn hơi cay để cố gắng giải tán đám đông bạo lực trên các con phố bên ngoài sân vận động, nơi nhiều người tập trung trước buổi trình diễn âm nhạc. Khi đám đông mất kiểm soát, cảnh sát cũng có mặt nhưng không thể cầm cự lâu trước sức ép của đám đông người hâm mộ. Sau đó, giới chức nước này đã ghi nhận 11 trường hợp tử vong, trong đó có 10 người chết do ngạt thở và bị giẫm đạp, 7 trường hợp phải nhập viện.

Đầu tháng 10, tại sân vận động Kanjuruhan tại thành phố Malang, Đông Java, Indonesia cũng xảy ra thảm hoạ giẫm đạp đã cướp đi sinh mạng của 133 người, trong đó có nhiều trẻ em. Tổng cộng 42.000 vé đã được bán ra, trong khi sân vận động Kanjuruhan chỉ có sức chứa 38.000 người. Trước trận thua của đội bóng yêu thích, hàng nghìn người ủng hộ CLB Arema FC đã phản ứng bằng cách ném chai lọ và các đồ vật khác vào các cầu thủ, quan chức bóng đá. Cảnh sát chống bạo động nhanh chóng được triển khai với gậy và hơi cay. Thảm kịch xảy ra khi đám đông hỗn loạn giẫm đạp nhau chạy tìm lối ra khi bị cảnh sát bắn hơi cay.

Bài học cảnh tỉnh

Sau hàng loạt những thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại các sự kiện, lễ hội tập trung đông người, mối quan tâm lớn của dư luận tập trung vào hai câu hỏi lớn: Vai trò của cơ quan chức năng và đơn vị quản lý trong việc kiểm soát đám đông các sự kiện đông người? Cần có những kỹ năng gì để đảm bảo an toàn khi mắc kẹt trong đám đông hỗn loạn như vậy?

Chính giới chức trách Hàn Quốc đã phải thừa nhận rằng “đã không nhận thức được tốc độ của dòng người đổ về”, vì vậy đã không thiết kế biện pháp nghiệp vụ nào để xử lý đám đông tại phố Itaewon nơi thảm họa xảy ra. Thông tin từ đơn vị quản lý trật tự công cộng thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNPA), vào tối 29/10 chỉ có 137 cảnh sát đã được triển khai túc trực tại Itaewon, đồng nghĩa với việc mỗi sĩ quan phải quản lý hơn 700 người. Mục đích chính của họ chỉ là ngăn các vụ quấy rối, bạo lực, đề phòng người tham dự sử dụng ma túy. Thảm kịch xảy ra đã khiến giới chức nước này phải nhìn lại các quy định và biện pháp đảm bảo an toàn cho đám đông tại các lễ hội trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, những sự kiện đông người không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra thảm kịch chết người như trên mà còn có nhiều rủi ro khác như thất lạc người, mất tài sản, chen lấn, xô đẩy… Bởi vậy, khi tham gia những sự kiện này, các chuyên gia khuyến cáo không nên mang nhiều đồ đạc, có thể mang giày thể thao để di chuyển thuận tiện, đồng thời chú ý quan sát các lối ra an toàn, các cửa thoát hiểm. Nếu thấy xung quanh đám đông bắt đầu đông lên và có xu hướng mất kiểm soát thì cần nhanh chóng thoát khỏi nơi đó sớm để tránh nguy hiểm.

Đọc thêm