Tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội

(PLVN) - Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Chính phủ yêu cầu phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”; cách ly, phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất.
Chính phủ yêu cầu phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”.
Chính phủ yêu cầu phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”.

Xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 9

Theo Nghị quyết, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch theo các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Khẩn trương rà soát ban hành các hướng dẫn chuyên môn phải có mục tiêu, yêu cầu, tiến độ cụ thể, rõ ràng trong xét nghiệm, cách ly, điều trị; hướng dẫn cụ thể đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine… Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương, Tài chính... xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, trình Chính phủ trong tháng 9 năm 2021 (xây dựng Nghị quyết).

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận tải, lưu thông hàng hóa trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, thông suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch COVID-19; xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, yêu cầu các cơ quan, địa phương bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định không phù hợp, làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa;

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, sửa đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và huy động nguồn lực xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự để có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.

Chính phủ đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trong đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia; có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”; cách ly, phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất, không được để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa, gắn với xét nghiệm thần tốc, cuốn chiếu theo quy định; đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường, thị trấn, ưu tiên hàng đầu việc điều trị giảm tử vong.

Chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng và tiến độ

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Dự án luật), Chính phủ thống nhất xác định đây là dự án luật rất quan trọng và cấp thiết, việc xây dựng dự án luật trình Quốc hội nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các quy định pháp luật liên quan để góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

Chính phủ thống nhất thông qua dự án luật; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Phiên họp tháng 9 năm 2021, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình trình dự án luật để báo cáo, giải trình nội dung có liên quan; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị kỹ nội dung giải trình, tạo sự đồng thuận cao khi trình UBTVQH xem xét cho ý kiến và trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Đọc thêm