Tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ được “nới” quy định góp vốn

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (giữa kỳ) với chủ đề “Từ ổn định đến phục hồi kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có đề cập đến việc tăng giới hạn góp vốn cổ phần của các tổ chức nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước yếu kém.

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (giữa kỳ) với chủ đề “Từ ổn định đến phục hồi kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có đề cập đến việc tăng giới hạn góp vốn cổ phần của các tổ chức nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước yếu kém.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, điều hành của NHNN trong thời gian qua đã đạt một số kết quả nhất định, chẳng hạn như cán cân vãng lai và cán cân thanh toán đã thặng dư, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ổn định và lòng tin vào đồng Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, lãi suất huy động của thị trường ngân hàng đã giảm từ 2 – 3% và lãi suất cho vay cũng giảm từ 1 - 4%. Đặc biệt, dòng vốn này đã chảy đúng hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực DNNVV, lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp – nông thôn. Tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện đáng kể, trật tự trên thị trường tiền tệ đã được thiết lập. NHNN sẽ tiếp tục giám sát chặt và xử lý nghiêm các tổ chức nếu có vi phạm.

Đến nay, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã và đang được tiến hành mạnh mẽ. Thời gian tới, NHNN sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bám sát xu hướng thị trường. Thực hiện công tác xử lý lại nợ giữa các ngân hàng, giãn đảo nợ cho những DN có tiềm năng kinh doanh tốt.

Phần trả lời các khuyến nghị của nhóm công tác ngân hàng về việc xem xét lại quy định góp vốn của ngân hàng nước ngoài đối với các ngân hàng trong nước, ông Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã có Quyết định số 254 phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, trong đó có đề cập đến việc tăng giới hạn góp vốn cổ phần của các tổ chức nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước yếu kém.

Hiện nay, NHNN đang nghiên cứu, bổ sung và trình Chính phủ Dự thảo thay thế Nghị định số 69 quy định về tổ chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần. “Với việc Chính phủ ban hành Nghị định này sẽ tạo khuôn khổ hành lang pháp lý rõ ràng cho các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn vào các tổ chức tín dụng ở Việt Nam” – ông Hưng nói.

Liên quan đến Thông tư 14 đưa ra trần lãi suất cho vay đối với một số ngành, ông Louis Taylor - Trưởng Nhóm Công tác Ngân hàng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – cho rằng, DN hiểu ý định của NHNN trong việc giảm chi phí tín dụng cho các ngành gặp khó khăn của nền kinh tế.

“Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng biện pháp hành chính này sẽ dẫn đến việc các ngân hàng sẽ cho các ngành này vay ít hơn so với trước kia, bởi vì những ngành này sẽ ít có khả năng đạt được lợi nhuận thích hợp khi cân nhắc tới các yếu tố rủi ro” – đại diện nhóm công tác này nói – “Kế hoạch Tái cơ cấu Ngành Ngân hàng của Chính phủ đưa ra yêu cầu cho các ngân hàng thực hiện quy trình quản lý rủi ro tốt hơn, gồm cả yêu cầu định giá khoản vay có rủi ro. Thông tư 14 khiến cho việc định giá này là không thể. Chúng tôi hy vọng sẽ gỡ bỏ được vấn đề này càng sớm càng tốt”.

Đáp lại băn khoăn này, ông Lê Minh Hưng cho hay, NHNN cũng xác định đây chỉ là biện pháp hành chính ngắn hạn trước mắt. Do đó, NHNN sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cũng như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu vi phạm về trần lãi suất huy động.

Bách Linh

Đọc thêm