Theo kết quả từ Cơ quan điều tra, bà Nga với cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty Housing Group dưới chiêu thức bán nhà đã lừa đảo chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng của khách hàng. Ngoài ra, theo lời khai của bà đã chi hơn 100 tỷ đồng cho việc “chạy” dự án và ứng cử đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, những người liên đới đều phủ nhận lời khai này.
Dù những vi phạm pháp luật của bà Nga sẽ nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật nhưng hành vi của bà gây ra đã làm “mất mặt” những cử tri đã bỏ phiếu cho bà trúng cử. Cũng không ít cử tri đã gạch tên bà vì trước đó đã có dư luận về việc bà khai man bằng cấp đến tai họ và họ không tín nhiệm bà.
Từ việc khai man bằng cấp đến lừa đảo quả là không xa và càng làm cho dư luận tin rằng lời khai “chạy” cái này, cái khác là có cơ sở bởi với tính cách của một con người như vậy thì họ sẵn sàng làm đủ thứ xấu xa để thực hiện mục đích của mình. Có thể nhận định của một quan chức Quốc hội là “các đại ca, đại gia làm hư hỏng cán bộ” đúng với trường hợp này chăng?
Việc truy tố và xét xử một doanh nhân, nguyên là đại biểu Quốc hội cho thấy “chiếc áo không làm nên thầy tu” và việc thực thi pháp luật không có vùng cấm nào.
Ở một diễn biến khác cũng chứng minh một điều tương tự. Tại Hội An (Quảng Nam), 3 cán bộ thuộc Đội trật tự đô thị phường đã phục kích, đánh gãy ngón chân và xương sườn một người đàn ông bán chè do xung đột trước đó về việc chiếm dụng vỉa hè.
Dư luận đã hết sức phẫn nộ vì hành vi này và cơ quan Công an khẳng định với báo chí sẽ xử lý nghiêm. Nhưng, sau đó Cơ quan điều tra thành phố Hội An đã ra quyết định không khởi tố vụ án này, cho rằng hành vi đánh người này không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Quảng Nam đã xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và ra quyết định khởi tố vụ án này. Như vậy, công lý đã tiếp cận với người bán chè rong trên phố cổ.
Cho dù là đại biểu Quốc hội hay chỉ là nhân viên cấp phường nhưng khi vi phạm pháp luật thì không thể bỏ qua hoặc bao che, to nhỏ gì thì vẫn không để lọt người, lọt tội!