Tham dự Tọa đàm có sự góp mặt của ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC & TDTHPL, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Việt Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp. Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, phòng tư pháp trên địa bàn.
|
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC & TDTHPL, Bộ Tư pháp, Ông Nguyễn Thanh Việt Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng chủ trì hội nghị |
Toạ đàm xoay quanh các nội dung: Đánh giá chung công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm, quản lý thuế; Tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Ban an quản lý toàn thực phẩm Tp. Đà Nẵng; Công tác thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công tác thi hành pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Theo báo cáo tại Toạ đàm, trong thời gian qua, công tác thi hành pháp luật được lãnh đạo UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó chú trọng đến việc nâng cao chất lượng xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp; kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
|
Các đại biểu trình bày tham luận về tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố |
Qua công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật (TDTHTHPL), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cũng đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật và có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tại Toạ đàm, các đại biểu cũng chỉ ra, công tác thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn nhất định.
Cụ thể như tình hình thi hành pháp luật, tình hình tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức cũng như công tác phối hợp theo dõi, kinh phí phục vụ công tác, nhân sự phụ trách công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, các đại biểu tham dự Toạ đàm đã đề xuất ra một số giải pháp cơ bản bao gồm việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, địa phương cần tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh các sai phạm, đảm bảo việc thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi thi hành pháp luật...