Tọa đàm về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

(PLVN) - Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội vừa tổ chức hội nghị tọa đàm về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. 
Tọa đàm về Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Hội nghị được diễn ra tại thành phố Huế với sự chủ trì của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng ý kiến vào Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với các vấn đề trọng tâm như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; Tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam; giải thích về từ ngữ “Biên phòng” được quy định tại khoản 1 điều 2 Dự thảo Luật…

Trong bài phát biểu của đồng chí Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam, về vấn đề “giải thích về từ ngữ Biên phòng (khoản 1, điều 2), đồng chí Nam đề nghị tiếp tục cân nhắc, xem xét nội dung giải thích khái niệm “Biên phòng”. Đây là thuật ngữ được giải thích trong từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, thuộc phạm trù thuật ngữ. Tuy nhiên, đối với Luật Biên phòng Việt Nam, khái niệm giải thích thuộc phạm trù “chế độ pháp lý của hoạt động biên phòng”. Do vậy, đề nghị xác định lại khái niệm này theo hướng “Biên phòng là các hoạt động nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền; bảo vệ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới; bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.

Về vấn đề “quyền hạn của Bộ đội Biên phòng”, Phó Tư lệnh pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định rõ ngay trong Luật về các trường hợp: Đồn trưởng đồn Biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cấp tỉnh được quyền quyết định hạn chế hoặc tạm ngừng một số hoạt động ở  khu vực biên giới, qua lại biên giới theo quy định pháp luật (khoản 4, Điều 15). Và giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thẩm quyền…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật cần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp hoạt động của lực lượng biên phòng; vấn đề xây dựng lực lượng chuyên trách, sử dụng câu chữ rõ ràng để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tại đồn, chốt, trạm nơi biên giới, hải đảo…

Sau khi nghe các tham luận và các ý kiến, hầu hết các đại biểu đều thống nhất và khẳng định việc xây dựng hoàn chỉnh Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam là cấp thiết; cần sớm được Quốc hội thông qua để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Kết thúc hội nghị, các ý kiến của các đại biểu được Ban biên soạn Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tổng hợp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đọc thêm