Theo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, hiện nay, Bộ và các địa phương cùng Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai thi công 28 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 1.188km dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tiến độ triển khai cụ thể như sau:
16 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 786km, trong đó Bộ Xây dựng chủ quản 14 dự án/760km có điều kiện thuận lợi hoặc các khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết, đang triển khai bám sát kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, nhiều dự án thành phần sẽ phấn đấu rút ngắn thời gian thi công từ (3 - 6 tháng).
12 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 402km, trong đó Bộ Xây dựng chủ quản 3 dự án/129km cần phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng và tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” mới có thể hoàn thành trong năm 2025.
Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cũng đề cập đến các khó khăn hiện nay đối với các dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản. Theo đó, về công tác giải phóng mặt bằng, dự án thành phần 2 Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn còn khoảng 0,7/18,2km, nếu không có sự quyết tâm nỗ lực để bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 3/2025 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Về nguồn vật liệu xây dựng, ngày 13/2/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì họp để tháo gỡ và giao nhiệm vụ cho các địa phương bảo đảm cung ứng vật liệu (cát san lấp nền đường, cát biển, đất đắp, đá xây dựng) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Tuy nhiên đến nay, tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án Biên Hòa - Vũng Tàu và Cần Thơ - Cà Mau .
Đề cập đến tiến độ giải ngân các dự án cao tốc Bắc - Nam, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Xây dựng cho hay, các dự án cao tốc Bắc - Nam, giải ngân 1.755/34.971 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch năm; đây là nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân tốt nhất Bộ, tuy nhiên tiến độ giải ngân chậm so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 giải ngân 4.300 tỷ đồng, đạt 10%).
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 mới giải ngân đạt 0,5% (7/9 dự án chưa giải ngân); nhiều dự án được giao kế hoạch vốn rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ như: Quy Nhơn - Chí Thạnh (Ban 85) đạt 2%; Vân Phong - Nha Trang (Ban QLDA7) đạt 2,8%; Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Ban 85) đạt 3%...
Thời gian tới, Vụ Kế hoạch - Tài chính đề xuất, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ sớm khởi công một số dự án trọng điểm (mở rộng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Hòa Liên, Chợ Mới - Bắc Kạn, TP Hồ Chí Minh - Long Thành, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Dầu Giây - Tân Phú, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Rà soát chuẩn xác nhu cầu sử dụng vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ chỉ đạo (cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chơn Thành - Đức Hòa, Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận) và các dự án khác có tiến độ hoàn thành trong năm 2025, trên cơ sở đó đăng ký nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2025 ngay trong tháng 3/2025 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo tiến độ dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: VGP/Minh Khôi)
Sáng 6/3, sau khi kiểm tra dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL về tình hình bảo đảm nguồn cát, đất, đá cho các dự án cao tốc ở khu vực ĐBSCL. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê bình và yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu phải xác định chính xác nhu cầu vật liệu xây dựng theo từng tháng, từng quý, chứ không phải theo trữ lượng của các mỏ, kết hợp rà soát nguồn cung ứng vật liệu ở địa phương để kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm đường găng tiến độ của từng dự án. Các địa phương cần tiếp tục sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn nữa trong khâu giám sát các sở, ngành xử lý hồ sơ thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác đến từng mỏ vật liệu xây dựng, công suất khai thác, sản lượng cung cấp trong từng tháng, từng quý, đến từng nhà thầu; xem xét thực hiện cấp giấy phép khai thác 1 lần cho mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù cho đến khi hoàn thành, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí; xem xét điều chỉnh linh hoạt công suất khai thác mỏ theo tiến độ dự án trên cơ sở bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, quan trắc đầy đủ tác động môi trường.