Xử lý “còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng”
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, thời gian qua, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương thực hiện chưa tốt công tác PCTN.
Trong báo cáo, Chính phủ đưa ra nhiều nguyên nhân và lần đầu tiên nhìn nhận thẳng thắn trước QH: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật”.
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của QH nhấn mạnh về việc chuyển đổi vị trí công tác gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua. “ĐBQH, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về PCTN nói chung và PCTN trong công tác tổ chức cán bộ nói riêng” – Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nói.
Chủ nhiệm UBTP đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của ĐBQH và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng
thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới. Báo cáo thẩm tra của UBTP cũng cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015.
Cần làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực
UBTP của QH cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Theo bà Nga, nhiều ĐBQH thời gian qua đề nghị phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi lẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân. UBTP đồng tình và đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện chủ trương này để xây dựng một Chính phủ liêm chính như cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước QH.
Về nguyên nhân tồn tại, hạn chế, UBTP đề nghị Chính phủ lưu ý một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là: hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể; cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”… Chủ nhiệm UBTP đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu làm rõ về cơ chế kiểm soát quyền lực, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi.
Tại phiên họp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn về đánh giá tình hình tham nhũng trong báo cáo của Chính phủ. “Vấn đề đặt ra chúng ta có đầy đủ thể chế, đầy đủ bộ máy chặt chẽ, cơ quan chuyên trách, điều kiện cơ sở vật chất, Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên “nhảy múa” trên “lưỡi gươm” của pháp luật. Phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng, cơ quan phòng chống tham nhũng có khả năng bao che” – ĐB nói và đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan PCTN.
Đồng ý với quan điểm trên, ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị có biện pháp PCTN nghiêm hơn và kiến nghị quy định “thu hồi tài sản do tham nhũng, chiếm đoạt mà có” để ngăn chặn thất thoát tài sản, ngân sách của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của đối tượng tham nhũng trong việc khắc phục hậu quả. Ông cho rằng ngoài đối tượng trực tiếp tham nhũng thì những trường hợp trực tiếp quản lý cán bộ, người được hưởng lợi từ việc tham nhũng cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả do cấp dưới gây ra.
Đề nghị có Nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm
Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC trước QH sáng 28/10, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong năm qua, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9% nhưng thừa nhận việc giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế còn kéo dài, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn cao, vẫn để xảy ra một số trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội… là những hạn chế, tồn tại trong công tác của Viện trưởng VKSNDTC.
Do đó, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị với QH trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật PCTN cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cần có quy định khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản phạm tội, bảo đảm hiệu quả công tác PCTN và việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Trí kiến nghị QH tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; đồng thời quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế. Đặc biệt, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị QH nghiên cứu ban hành Nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp.