Tội phạm về động vật hoang dã: Tiền không thể mua được thời gian đã mất!

(PLVN) - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông mới nhất thể hiện sự hối hận muộn màng của một người phải trả giá cho hành vi buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép. Án phạt cao nhất là án phạt lương tâm khi phải ngồi trong song sắt, đánh mất những khoảnh khắc quý giá bên gia đình.
Một cảnh trong phim ngắn

Lấy bối cảnh là phòng thăm phạm nhân, phim đã lột tả cảm xúc của một tù nhân – người lĩnh án phạt lên tới 15 năm vì buôn bán ĐVHD trái phép. Đằng sau song sắt không chỉ là hình ảnh một tội phạm bị trừng phạt mà còn là lời nhắn gửi “Đừng dại dột!” vì tiền bạc cũng không thể mualại thời gian phí hoài trong tù.

“Chúng tôi mong rằng bộ phim sẽ là lời cảnh báo cho những ai có ý định buôn bán vận chuyển ĐVHD trái phép vì pháp luật đã nâng cao các mức phạt và cơ quan tư pháp trên cả nước cũng đang quyết liệt xử lý để răn đe các hành vi tội phạm về ĐVHD” - bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cho biết.

Bà Dung chia sẻ thêm: “Nguy cơ nhận án phạt tù giam là rất lớn. Bất cứ ai dính líu đến các hành vi buôn bán ĐVHD đều phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc, bị chia cắt với gia đình và bạn bè. Đừng dại dột để đồng tiền làm mờ mắt vì thời gian mất đi không thể lấy lại được.”

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định các án phạt nghiêm khắc đối với các tội phạm về ĐVHD. Trong giai đoạn 2018-2019 kể từ khi bộ luật này có hiệu lực, 43 trên tổng số 68 đối tượng lĩnh án tù đã phải nhận án phạt từ 5 năm tù trở lên.

Bà Bùi Thị Hà, Quản lý Chương trình Chính sách và Pháp luật của ENV chia sẻ: “ENV hi vọng các đối tượng tội phạm về ĐVHD hiểu rằng chế tài xử lý đối với loại tội phạm này đang ngày càng nghiêm khắc và ENV sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy cơ quan tư pháp áp dụng triệt để các hình phạt này để xử lý tội phạm về ĐVHD.”

Phim ngắn truyền thông thứ 41 này nằm trong chiến dịch lâu dài của ENV với nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn tội phạm về ĐVHD. Chiến dịch hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD từ nỗ lực thưc thi pháp luật cũng như định hướng cộng đồng về sự cần thiết phải áp dụng mức phạt tù nghiêm khắc đối với loại tội phạm này.

Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội trong hoạt động truyền thông, ENV cũng tiếp tục sử dụng các cách thức tiếp cận truyền thống như áp phích, biển báo, thông tin phát thanh trên các đài trung ương và địa phương. Cách tiếp cận toàn diện này nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ ĐVHD đến đa dạng các đối tượng và khuyến khích người dân thông báo vi phạm tới đường dây nóng miễn phí 18001522.

Đọc thêm