Tôn trọng giá trị trí tuệ trong học thuật là góp phần thượng tôn pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng tạo không phải là một trò chơi tự do của tưởng tượng mà không đòi hỏi một sự lao động căng thẳng nào. Thế nên, nhà khoa học Pasteur có câu nói: “Dịp may chỉ mách bảo cho một trí tuệ chuyên cần”. Ở các nước văn minh ngay từ nhỏ học sinh được dạy phải trung thực khi viết bài, không lấy ý tưởng hoặc sao chép thông tin của người khác, vì họ thực sự tôn trọng các giá trị trí tuệ sáng tạo và quy định của pháp luật cho việc “vay mượn/đạo” sản phẩm trí tuệ của người khác...
Các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học. (Ảnh: Tọa đàm Liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức năm 2020. Nguồn ảnh: ĐHSPHN).
Các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học. (Ảnh: Tọa đàm Liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức năm 2020. Nguồn ảnh: ĐHSPHN).

Chuyện nóng ở Mỹ đầu năm 2024

Theo CNN, ngày 2/1/2024, bà Claudine Gay, Chủ tịch Đại học Harvard gửi thư ngỏ đến cộng đồng Harvard, Mỹ để thông báo quyết định từ chức.

“Sau khi tham khảo ý kiến các thành viên ban lãnh đạo Tập đoàn Harvard, vì lợi ích tốt nhất của trường, tôi quyết định từ chức để cộng đồng của chúng ta có thể vượt qua thách thức hiện nay” - thư viết. Bà không nói ngày tháng từ chức, nhưng cho biết sẽ trở lại khoa Nghệ thuật và Khoa học, nơi bà giữ chức Trưởng khoa từ 2018 đến tháng 7/2023 - khi được bổ nhiệm Chủ tịch Harvard.

Bà Claudine Gay sinh ra trong gia đình người Haiti nhập cư, nhận bằng tiến sĩ Harvard năm 1998. Bà là một học giả hàng đầu về hành vi chính trị, các vấn đề về chủng tộc và chính trị, là Chủ tịch sáng lập của sáng kiến Bất bình đẳng - chương trình đa ngành triển khai năm 2017 ở Mỹ và là người nhận giải thưởng Toppan cho luận án hay nhất về khoa học chính trị. Bà là nữ Chủ tịch gốc Phi đầu tiên và là phụ nữ thứ hai giữ chức Chủ tịch trong lịch sử 387 năm danh giá của Harvard, nhưng nhiệm kỳ Chủ tịch của bà cũng là nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Harvard.

Một nhóm nhà hoạt động tố luận án tiến sĩ và ba ấn phẩm khác từ năm 1993 - 2017 của bà Gay đạo văn một số phần, đoạn. Ngày 20/12/2023, báo Washington Free Beacon dẫn ra 40 cáo buộc trong các tác phẩm học thuật của bà mà khi trích dẫn hoặc diễn giải kết quả nghiên cứu, ý tưởng… của các nhà khoa học khác không ghi chú nguồn. Chẳng hạn, trong bài viết vào năm 2001, bà đã lấy nguyên văn gần một nửa trang tài liệu của Giáo sư David Canon, Đại học Wisconsin, Mỹ… Theo quy định nghiêm ngặt của Harvard, khi trích dẫn bất kỳ ý tưởng hoặc đoạn văn của người khác trong bài viết mà không ghi rõ nguồn là đạo văn và nếu là sinh viên kỷ luật nặng nhất có thể là đuổi học. Thêm vào đó, những công trình của bà đã đăng trên các tạp chí được bình duyệt cũng bị cáo buộc đạo văn. Ví dụ, bài đăng trên tạp chí Urban Relations Review năm 2012, bà nhiều lần trích dẫn từ bài báo năm 2003 của tám nhà kinh tế học nhưng không ghi nguồn.

Bà Claudine Gay. (Nguồn ảnh: Đại học Harvard).

Bà Claudine Gay. (Nguồn ảnh: Đại học Harvard).

Theo CNN, các chuyên gia không đồng thuận về mức độ nghiêm trọng của những cáo buộc này. Ông Stephen Voss, từng là giáo viên của bà Gay, thừa nhận trong luận văn tiến sĩ năm 1997, bà đạo văn của ông “về mặt kỹ thuật nhưng không quan trọng về mặt học thuật”. Còn Giáo sư triết học Michael Dougherty, Đại học Ohio Dominica lại cho rằng dù bà Gay có ghi nguồn ở cuối một bài viết về vấn đề nhà ở năm 2017, nhưng những phần trích dẫn không có dấu ngoặc kép là đạo văn. Ông Dougherty đặt câu hỏi tác phẩm như vậy có đáng tin cậy không và cho rằng những bài viết đạo văn của bà Gay nên được rút lại...

Tỉ phú Bill Ackman (William Albert Ackman), nhà sáng lập và CEO của Pershing Square Capital Management, Mỹ, cựu sinh viên Harvard, sau khi kịch liệt công kích bà Claudine Gay và Chủ tịch Sally Kornbluth của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thì đến lượt vợ ông bị tố đạo văn. Tờ Business Insider đăng bài viết cáo buộc bà Neri Oxman, cựu Giáo sư MIT, đạo văn từ bách khoa toàn thư mở Wikipedia với ít nhất 15 đoạn và đã sao chép các đoạn văn của các tác giả khác mà không dẫn nguồn trong luận án tiến sĩ của bà tại MIT. Bà Oxman thừa nhận các vấn đề trên, nói rằng một số nguồn được trích dẫn không đúng cách và xin lỗi về các sai sót.

Năm 2023, Giáo sư Marc Tessier Lavigne, Chủ tịch Đại học Stanford, Mỹ đã phải từ chức vì đạo văn và gian dối. Là nhà thần kinh học nổi tiếng, từng làm việc tại Đại học Rockefeller, Đại học California, Đại học San Francisco và nhiều công ty công nghệ sinh học, ông có hơn 200 bài báo, chủ yếu về nguyên nhân và điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh. Tháng 7, Đại học Stanford công bố kết quả điều tra với 12 nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí danh tiếng Nature, Science, Cell, EMBO Journal dưới tên ông, có 5 nghiên cứu vi phạm nghiêm trọng dữ liệu, gồm 3 nghiên cứu buộc phải thu hồi và 2 nghiên cứu phải sửa sai.

Điều tra phát hiện một số hình ảnh trong các tài liệu nghiên cứu bị “trùng lặp”, với những hình ảnh bị “chỉnh sửa”. Hội đồng đánh giá sai phạm gồm 5 nhà sinh vật học và thần kinh học nổi tiếng, gồm cả Giáo sư Randy Schekman - Giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 2013 và Giáo sư Shirley Tilghman, cựu Hiệu trưởng Đại học Princeton từ 2001 - 2013 kết luận: Cả 12 bài báo học thuật, không có bằng chứng Giáo sư Tessier Lavigne cố ý làm sai lệch dữ liệu... Nhưng Hội đồng lưu ý rằng “nhiều thành viên trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Tessier Lavigne dường như đã thao túng dữ liệu nghiên cứu và không tuân theo các quy trình thực hành khoa học chuẩn trong nhiều năm”.

Giáo sư Tessier Lavigne tuyên bố: “… Dù không biết những sai trái này nhưng tôi muốn nói rõ tôi chịu trách nhiệm về công việc trong phòng thí nghiệm của tôi”.

Chuyện ở Việt Nam - bao giờ hết lo?

Cần tôn trọng liêm chính trong học thuật. (Nguồn: Internet)

Cần tôn trọng liêm chính trong học thuật. (Nguồn: Internet)

Ở Việt Nam, từ mấy chục năm nay, đạo văn thành vấn nạn, từ công trình nghiên cứu khoa học đến luận án tiến sĩ, thạc sĩ, viết sách. Phục vụ cho việc đạo văn còn có “chợ luận văn” với đủ loại “hàng” “thượng vàng hạ cám” tùy theo giá tiền phù hợp với mức yêu cầu của “khách”. “Hàng” có thể trọn vẹn hoặc là dữ liệu, việc còn lại của người “mua” là cắt dán, chắp nối làm thành “công trình” nghiên cứu của mình. Thật là xấu hổ khi chuyện gian lận khoa bảng không cần lén lút mà công khai đến mức quảng cáo để có nhiều “khách hàng”: “Chào mừng đến với dịch vụ viết thuê luận văn cao học, thạc sĩ, tốt nghiệp. Chúng tôi chuyên nhận làm báo cáo thực tập, viết tiểu luận, luận văn bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên toàn quốc”(!).

Nguyên nhân bất biến là có quá nhiều người năng lực chuyên môn yếu kém, lười biếng, nhưng khát khao danh vị và không tự nghiên cứu được nên họ phải thuê, phải đạo văn để “bảo vệ thành công”. Số người tiến thân bằng gian lận khoa bảng không nhỏ và dù Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bản quyền tác giả, Luật Báo chí..., nhưng ít người chấp hành, cơ quan chức năng cũng bất cập khi xử lý khiến nạn đạo văn lan tràn nhưng chỉ hiếm hoi vài người bị phanh phui, mất chức.

Trong khi ở nhiều quốc gia, nếu bị phát hiện đạo văn, cánh cửa sự nghiệp coi như vĩnh viễn đóng chặt. Có người cho rằng tình trạng đạo văn tràn lan là do lối giáo dục nặng về truyền đạt kiến thức theo triết lý giáo dục Khổng Tử. Điều này không hẳn đúng, bởi phải tích lũy đủ kiến thức cơ bản cần thiết rồi mới nghiên cứu được.

Bằng chứng là vẫn có không ít người đã và đang nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi cái mới ngoài điều nhà trường dạy và đạt được thành công trên con đường học vấn. Sáng tạo không phải tự nhiên rơi trên trời xuống, nói theo cách của Louis Pasteur thì: “Dịp may chỉ mách bảo cho một trí tuệ chuyên cần”.

Được biết, năm 2023, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu. Các quan điểm cho thấy, Việt Nam không phải là một “hoang mạc” về liêm chính khoa học, bởi đã và đang đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, thể hiện trong nghị định, thể hiện theo các quy định của KH&CN, của Bộ GD&ĐT, của nhiều trường, nhiều tạp chí; chỉ có điều là chưa có một quy định tổng thể và giờ cần có một khung cơ chế pháp lý chung.

Năm 2022 Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó đã giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo của đơn vị mình. Vì thế, chính các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm, xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về liêm chính học thuật. Bởi ngay từ sớm, học sinh, sinh viên được dạy phải trung thực khi viết bài, không lấy ý tưởng hoặc sao chép thông tin của người khác, đó chính là sự tôn trọng các giá trị trí tuệ và thượng tôn pháp luật. Còn nếu cứ để nạn đạo văn cứ lộng hành thì khó có thể cách tân nền giáo dục và nâng tầm vị thế đất nước trong vấn đề học thuật.