Tôn trọng tối đa ý chí các bên trong giải quyết tranh chấp dân sự

(PLO) - Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia, nhà khoa học nêu lên tại cuộc họp Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cho ý kiến đối với Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức ngoài tố tụng tòa án do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì vào ngày 27/12.

Tại Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trung gian hoà giải và tố tụng trọng tài là hai phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại ngoài tố tụng được khuyến khích trong giải quyết tranh chấp theo tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng các tranh chấp được giải quyết theo phương thức này còn rất hạn chế, chưa được đặt trong danh sách ưu tiên lựa chọn cho quá trình giải quyết tranh chấp thương mại của các cá nhân, tổ chức kinh doanh do quy trình giải quyết còn nhiều bất cập, hiệu quả thực thi chưa cao...

Qua tổng hợp theo dõi thi hành pháp luật và khảo sát thực tiễn, tỷ lệ phán quyết trọng tài nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 54%, nhiều phán quyết trọng tài đã tuyên nhưng không khả thi trong việc thi hành theo quy định pháp luật về THADS. Trong khi đó, ở Nhật 100% phán quyết trọng tài nước ngoài được công nhận và thi hành. Còn tại Anh chỉ có 2/89 phán quyết bị từ chối; Pháp, Hà Lan, Singapore rất ít phán quyết trọng tài nước ngoài bị từ chối.

Các căn cứ pháp lý để huỷ phán quyết trọng tài còn được hiểu chưa thống nhất nên tình trạng huỷ phán quyết trọng tài thương mại thời gian qua chiếm tỷ lệ  cao. Theo số liệu thống kê của Toà án, tính đến tháng 6/2014, số lượng phán quyết trọng tài bị huỷ trong cả nước là 7/33 đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, chiếm tỷ lệ khoảng 22%. Bên cạnh đó việc chậm thi hành phán quyết trọng tài; tỷ lệ đơn yêu cầu phán quyết trọng tài được thi hành trên thực tế chưa cao đã làm cho hoạt động trọng tài kém hấp dẫn

Sở dĩ hoạt động trọng tài thương mại ở nước ta còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn do chất lượng đội ngũ trọng tài viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Số lượng Trung tâm trọng tài được thành lập nhiều nhưng lượng vụ việc giải quyết rất ít, thậm chí có Trung tâm từ khi thành lập cho đến nay chưa ban hành một phán quyết trọng tài nào. Số vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được toà án thụ lý, xét xử hàng năm.


Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài còn chưa được quan tâm đúng mức; việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động trọng tài còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên; cơ chế phối hợp trong việc quản lý tổ chức, hoạt động trọng tài địa phương còn chưa được chặt chẽ dẫn đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước chưa cao.

Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp về hợp đồng bằng phương thức trọng tài, hoà giải thương mại theo hướng thống nhất, đồng bộ, từ đó góp phần hạn chế các tranh chấp. Theo đó, cần nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài, hoà giải. Đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể và xác định cụ thể các quy định về phương thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải, trọng tài cần được hoàn thiện để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành; rà soát đánh giá quy định pháp luật về vai trò của Toà án và các cơ quan có liên quan đối với trọng tài (như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tương trợ tư pháp, huỷ, công nhận quyết định trọng tài, thi hành quyết định trọng tài...).

Nêu lên thực tế hiện nay người dân vẫn giữ thói quen muốn có sự can thiệp của Tòa án khi xảy ra các tranh chấp nên các hình thức ngoài tố tụng như hòa giải, trọng tài thương mại chưa được cá nhân, tổ chức lựa chọn, ông Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho rằng Bộ Tư pháp cần đề ra phương hướng, cách thức quản lý để các phương thức này hoạt động hiệu quả hơn. 

Còn GS.TS Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay thì cần hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức ngoài tố tụng. Theo đó, cần đảm bảo tự do ý chí các bên và lấy đó làm yếu tố cốt lõi để đánh giá mức độ can thiệp của Nhà nước. Đối với phương thức hòa giải và trọng tài thương mại, cần tìm ra nguyên nhân, đánh giá thực trạng từ đó đề ra biện pháp mang tính bền vững, lâu dài.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu việc đánh giá thực trạng về hợp đồng và giải quyết tranh chấp cần khái quát hơn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ trưởng lưu ý, cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự ngoài tố tụng cần theo hướng nhanh gọn, linh hoạt, tôn trọng ý chí các bên, hạn chế tối đa can thiệp của cơ quan Nhà nước và Tòa án đồng thời phải xử lý tốt mối quan hệ giữa các phương thức giải quyết tranh chấp. Cùng với đó, cần có các kiến nghị mang tính đột phá để Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn để phát triển các hình thức trọng tài, hòa giải.

Đọc thêm