Tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), nhằm góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI sẽ được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận từ ngày 27 - 29/9 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước”.
Nghi thức rước y trang và sắc phong lên tháp Po Sah Inư trong lễ hội Katê. (Nguồn: N.Lân)
Nghi thức rước y trang và sắc phong lên tháp Po Sah Inư trong lễ hội Katê. (Nguồn: N.Lân)

Lễ hội Katê - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm

Dân tộc Chăm không chỉ có một văn hóa đặc trưng và phong phú, mà còn đóng góp quan trọng vào sự đa dạng và phát triển của dân tộc tại Việt Nam. Văn hóa dân tộc Chăm cuốn hút bởi những nét đặc sắc và những đặc trưng riêng, qua những triết lý sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa.

Tiêu biểu và đặc sắc nhất trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm là lễ hội Katê. Đây là lễ hội của đồng bào Chăm với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi, nảy nở của con người. Lễ hội Katê Ninh Thuận của người Chăm được tổ chức trong thời gian 3 ngày, thường sẽ được bắt đầu vào ngày 1/7 theo lịch Chăm (khoảng 25/9 đến 5/10 dương lịch). Địa điểm tổ chức lễ hội là tại đền tháp Po Nagar, Tháp Po Klong Garai và tháp Po Rome.

Ngoài lễ hội Katê, còn có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo của văn hóa Chăm, cùng hệ thống kiến trúc đền tháp đang trở thành sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách đến với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định. Ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-VHTTDL đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc Chăm còn thể hiện qua các nghề thủ công như: làm gốm, dệt vải, đóng thuyền, nghề kim hoàn… Hoa văn trong dệt thổ cẩm Chăm không chỉ mang tính trang trí, giá trị thẩm mỹ, còn phản chiếu đặc trưng sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo Chăm. Thông qua hoa văn có thể phân biệt giới tính, giai cấp, địa vị xã hội, chức sắc tôn giáo.

Người Chăm đã sáng tạo những giá trị âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với từng nhạc cụ, người Chăm lại tạo ra những giá trị văn hóa âm nhạc đặc trưng, độc đáo, không thể lẫn với các dân tộc khác như: Trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, Hagar (trống con), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ)…

Lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Nhằm góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế, “Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI” sẽ được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận từ ngày 27/9 - 29/9 tại TP Phan Rang - Tháp Chàm với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước”. Ngày hội do Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố: Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI” được tổ chức nhằm góp phần tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Ngày hội có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của 9 tỉnh, thành phố (Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động như trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; Chương trình khai mạc với chủ đề “Lung linh sắc màu văn hóa Chăm”; Không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế - xã hội của các địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm;…