Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Phù hợp tiến trình cải cách bộ máy, bố trí nhân sự

(PLO) - Trao đổi với Pháp luật Việt Nam xung quanh mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, mặc dù đây là tình huống nhưng tình huống này được đặt trong một dòng chảy, một thời cuộc, một tình thế cách mạng nên phù hợp với những đặc điểm của nước ta hiện nay, đó là tiến trình cải cách tinh gọn bộ máy, bố trí nhân sự, tinh giản biên chế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Cuộc cách mạng về công tác nhân sự

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng mô hình Chủ tịch Đảng làm Chủ tịch nước. Đối với chúng ta, vừa qua Hội nghị TƯ 8 (Khóa XII) đã thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, lòng dân rất cũng ủng hộ. Như vậy đã có sự thuận lợi trong chủ trương, đường lối. Và mới đây, khi Quốc hội nhất trí bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là chúng ta đã hiện thực hóa chủ trương này.

Có thể nói đây là cuộc thay đổi lớn, nếu không muốn nói là cuộc cách mạng về công tác nhân sự, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến việc cải cách bộ máy, đến vai trò của công tác kiểm tra, giám sát mà còn ảnh hưởng đến từng cá nhân nhận trọng trách này. 

Thưa ông, trong buổi tiếp xúc cử tri ngay sau bế mạc Hội nghị TƯ 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không phải là “nhất thể hóa”, cũng không phải là “kiêm” mà đây là tình huống đặt ra khi khuyết chức danh Chủ tịch nước. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy đây là tình huống nhưng điều đó cũng phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới và tình hình của nước ta hiện nay?

- Đúng vậy, đây là tình huống nhưng tình huống này được đặt trong một dòng chảy, một thời cuộc, một tình thế cách mạng nên phù hợp với những đặc điểm của nước ta hiện nay, đó là tiến trình cải cách tinh gọn bộ máy, bố trí nhân sự và cũng phù hợp với việc tinh giản biên chế.

Chúng ta hãy nghĩ rộng ra, tức là không chỉ áp dụng vị trí này ở cấp TƯ mà còn là vấn đề để bên dưới soi vào thực hiện. Bên trên đã thống nhất Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cũng dần dần như thế.

Hiện nay chúng ta có 63 đơn vị cấp tỉnh, 713 đơn vị cấp huyện và 11.162.000 đơn vị cấp xã. Chỉ cần nói đến số lãnh đạo đang 2 còn 1, và chúng ta thống nhất được các vị trí ở tất cả các cấp chính quyền thì rõ ràng là một cuộc cách mạng lớn, một thay đổi lớn.

Phải có khung pháp lý tương đối

Thời gian qua chúng ta đã thí điểm tại một số địa phương về mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Theo đánh giá, việc làm này đã đem lại hiệu quả cao khi phát huy được tính tích cực của cá nhân lãnh đạo cấp xã cả về mặt lãnh đạo Đảng và chính quyền. Như ông nói, qua việc này, chúng ta sẽ nghiên cứu mở rộng mô hình trên ra nhiều địa phương và nhiều cấp khác nhau. Vậy khi áp dụng vào thực tế, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì, nhất là khi quyền lực tập trung vào một người?

- Chúng tôi rất ủng hộ cách làm này. Tuy nhiên, bây giờ hãy khoan nói đến việc nước ngoài làm thế nào, điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là công cuộc cải cách của chúng ta đang được thực hiện rất quyết liệt. Một trong những yêu cầu cải cách là thể chế, bộ máy. Mà khi chúng ta tinh gọn bộ máy thì kèm theo đó là vấn đề nhân sự.

Chính vì thế, chúng ta phải phải tìm được người phù hợp - tức là phải biết cách sử dụng người và quy chế sử dụng người, vì đây không phải chỉ áp dụng ở TƯ hay một bộ, ngành nào đó mà sau này sẽ còn một loạt các trường hợp khác nữa. Thông thường, những người trẻ sau này thường được đào tạo cơ bản, có trình độ cao, nhưng nhiều nơi lực lượng trẻ lại chưa được tin dùng, như vậy cách sử dụng người là chúng ta phải đặt ra.

Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ và sử dụng đúng thì chúng ta được một nhân sự tốt, nếu chúng ta sử dụng cán bộ mà do ảnh hưởng dưới sức ép nào đó thì sẽ không những không được người giỏi mà còn mất cán bộ và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. 

PGS. TS Ngô Thành Can

Trước đây, rất nhiều ý kiến nói rằng có nhiều người được bầu đảm nhận vị trí lãnh đạo, nhưng năng lực hạn chế, không đáp ứng được công việc. Tuy nhiên, khi chúng ta áp dụng mô hình một người đảm nhận hai vai thì yêu cầu đặt ra đối với nhân sự đảm nhận vị trí này phải có năng lực thực sự để triển khai công việc.

Tiếp đó, phải chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tuy luận đề đặt ra không phải mới, nhưng những người nhận vị trí này từ cấp xã đến cấp TƯ là họ phải đảm nhận công việc mới khác hẳn trước đó. Ở đây, chúng ta xem xét đến vai trò của người đứng đầu cơ quan Đảng và người đứng đầu cơ quan chính quyền.

Khi thống nhất hai vị trí của hai cơ quan này, không chỉ là vị trí mà con người đấy đảm nhận, nó còn kèm theo một loạt vấn đề khác như chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm... mà mấu chốt vẫn là năng lực để thực thi công vụ. 

Nếu trước đây, những cán bộ mà chúng ta chọn vào các vị trí để thực hiện chủ trương, đường lối thì chủ yếu anh cần có năng lực tư duy chiến lược, dự báo, tầm nhìn, đề ra chủ trương, đường lối, đồng thời có một năng lực lãnh đạo, có uy tín để dẫn dắt mọi người đi theo.

Nhưng, khi đảm nhận vị trí chính quyền thì ngoài vấn đề chung, anh còn phải làm những công việc cụ thể, phải thực thi những nhiệm vụ mà đường hướng, chủ trương đã định ra. Tức là hai cách làm khác nhau mà bây giờ lại là một người thực hiện thì lúc đó tính trách nhiệm cao hơn. Anh phải chịu trách nhiệm đến cùng chứ không thể đùn đẩy cho người khác. 

Đồng thời, phải tạo ra khung pháp lý tương đối, có thể là quy chế hoặc quy định để làm sao cho những người được đặt vào vị trí ấy thuận lợi trong công việc. Cùng với đó là một bộ máy giúp việc thống nhất, chuyên nghiệp, chứ không tách làm hai. Nếu chúng ta có hai hệ thống để thực hiện những công vụ tương tự nhau thì hiệu quả thực thi sẽ không cao và gây lãng phí về vật chất và nhân sự. 

Điều lưu ý cuối cùng nhưng cũng vô cùng quan trọng, đó là phải tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực. Khi tập trung quyền lực mà chúng ta không kiểm soát được thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực. Bài học về sự kiểm tra kiểm soát thiếu sự chặt chẽ, đồng bộ, đâu đó còn lơ là trong công tác cán bộ của chúng ta trong thời gian qua là một minh chứng khá rõ.

Nhiều cán bộ chủ chốt, giữ vị trí cao như Ủy viên Bộ Chính trị đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng đã xử lý nhiều vị trí cao như Bí thư thành ủy cấp tỉnh hoặc Bí thư tỉnh ủy mà sai phạm chủ yếu liên quan đến lạm quyền, sai thẩm quyền...

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta khẳng định: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Cơ chế này phản ánh và giải quyết các mối quan hệ cốt lõi của xã hội. Khi áp dụng mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, theo ông chúng ta sẽ có thuận lợi như thế nào trong công tác quản lý nhà nước cũng như xây dựng Đảng, nhất là công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay?

- Như tôi đã phân tích, khi một người đảm nhận hai vai thì một loạt các vấn đề liên quan cũng sẽ thay đổi: về vị trí việc làm cũng như chức năng, nhiệm vụ của vị trí ấy. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ bên Đảng và chính quyền khi chúng ta thực thi các nhiệm vụ lớn, như chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí...

Trước đây, công tác lãnh đạo thường chú trọng, nơi nào để xảy ra tiêu cực, tham nhũng thì người đứng đầu của cấp chính quyền  phải chịu trách nhiệm, nhưng bây giờ một người vừa đề ra chủ trương, vừa phải theo dõi và chịu trách nhiệm thực thi thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ. 

Chính vì tính chịu trách nhiệm cao nên anh không thể thả lỏng cho bên dưới muốn làm gì thì làm mà buộc phải thường xuyên đôn đốc, giám sát, chấn chỉnh. Rõ ràng, khi thống nhất chức danh Bí thư và Chủ tịch làm một thì cần có cơ chế kiểm tra giám sát cụ thể, cần có những quy định về kiểm soát quyền lực để làm sao kiểm soát được chặt chẽ các vi phạm nảy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ để từ đó kịp thời xử lý và xác định rõ trách nhiệm.

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm