Sáng qua (17/6), sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri hai quận Thanh Xuân, Hà Đông.
Lòng yêu nước bị lợi dụng
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư cám ơn cử tri đã theo dõi rất sát diễn biến kỳ họp. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn, nhìn thẳng vào vấn đề, thiết thực và xác đáng chứ không phải nói chung chung.
Liên quan đến dự án Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, gần đây xảy ra chuyện lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, một số phần tử chống đối đã kích động gây rối. Tổng Bí thư cho biết, đến nay, cơ quan chức năng đang tập trung chấn chỉnh, khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, những kẻ chống đối.
Đối với dự án Luật Đặc khu, Tổng Bí thư khẳng định đã có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó đã khảo sát Vân Phong (Khánh Hòa), học hỏi kinh nghiệm quốc tế, thí điểm cơ chế nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, mới, nhạy cảm nên phải rất thận trọng, làm như thế nào cho hiệu quả, vừa phát huy được sức mạnh trong nước, ngoài nước nhưng phải giữ được độc lập chủ quyền của quốc gia. Đó là chủ trương nhất quán.
Tổng Bí thư cho biết, đặc khu mỗi nước, mỗi nơi mỗi khác nên không thể làm đại khái. Với tinh thần thận trọng, Quốc hội đã thảo luận qua mấy kỳ họp với tỷ lệ thống nhất tương đối cao. Sau khi có một số ý kiến đóng góp, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã lắng nghe và tạm dừng việc thông qua dự án luật tại kỳ họp vừa qua. “Chúng ta đã thông qua đâu, quyết định dừng lại để lắng nghe. Chúng ta dừng từ ngày 8/6 nhưng tới ngày 10/6 vẫn đi biểu tình phản đối Luật, chứng tỏ có ý đồ khác” - Tổng Bí thư chỉ rõ.
Với những ý kiến còn băn khoăn chuyện cho thuê đất 99 năm tại dự thảo Luật, Tổng Bí thư giải thích: “Đây đâu phải bàn giao đất cho nước A, nước B nào, rồi để người ta vào tự do. Phải có từng dự án đầu tư cụ thể. Pháp luật hiện hành quy định cho thuê đến 70 năm, còn đây là đặc khu nên dự kiến khuyến khích không quá 99 năm. Nhưng phải qua bao nhiêu quy trình, Thủ tướng phê duyệt mới được vào… Một số đối tượng cứ kích động chỗ này, cho rằng để cho Trung Quốc vào đây 99 năm thì mất nước, kích động đi biểu tình để biểu thị lòng yêu nước”- Tổng Bí thư nêu rõ và cho rằng bản chất sâu xa của sự việc là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu việc khác và có bàn tay phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài.
“Rất mong nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Làm vì nước, vì dân, không có mục đích nào khác và không ai dại dột giao đất cho người nước ngoài để họ vào đây làm rối mình”- người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh.
Không thể để ai muốn nói gì thì nói
Đối với Luật An ninh mạng, theo Tổng Bí thư, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật này. Trong tình hình cách mạng 4.0, khoa học công nghệ phát triển, thông qua mạng, nhiều đối tượng đã tuyên truyền, kích động biểu tình gây rối nhằm lật đổ chính quyền. Chính vì vậy cần có Luật để bảo vệ chế độ, bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi. “Không thể để ai muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi, xuyên tạc cũng được? Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, lợi rất lợi, nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Phải có luật bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia và quyền công dân (...). Chính bởi vậy, các bác, các đồng chí cần hết sức tỉnh táo, không mắc mưu” - Tổng Bí thư nói.
Chốt lại vấn đề, Tổng Bí thư khẳng định, Luật An ninh mạng thông qua rồi, Luật Đặc khu thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Bao giờ hoàn thiện thì thông qua, có lợi thì thông qua. Về các vấn đề cử tri quan tâm và bức xúc, như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy hoạch xây dựng, quản lý dân cư, đô thị, ùn tắc giao thông... Tổng Bí thư khẳng định đó là mặt trái của sự phát triển, đồng thời đề nghị TP Hà Nội hết sức quan tâm đến vấn đề này.