Tổng Bí thư: Phát huy thế mạnh để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn

(PLVN) - Thông tin sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng, Tổng Bí thư cho rằng, sáp nhập là cơ hội để Quảng Nam và Đà Nẵng phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển, để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế...

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chiều 29/3, tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về công tác xây dựng Đảng, việc quán triệt và triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương trong thời gian tới.

Cùng dự có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Làm việc với Ban Thường vụ 2 địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố trong cả nước, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng. Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều phải vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân và để đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo Tổng Bí thư, việc cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính lần này sẽ tái định vị không gian phát triển tự nhiên và kinh tế, gắn kết về lịch sử, văn hóa và địa lý, từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên một thực thể hành chính- kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh và sức cạnh tranh đủ cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tạo điều kiện để nước ta phát triển đồng đều hơn, hình thành các trung tâm kinh tế mới có sức cạnh tranh cao hơn cả tầm khu vực và quốc tế.

Cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính giúp giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc, tái phân bổ nguồn lực, tập trung nguồn lực cho những ưu tiên. Không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi thường xuyên mà cái chính là đặt nền móng hình thành chính quyền số, quản trị số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp, và hành chính linh hoạt – một xu thế tất yếu sẽ phải diễn ra. Mọi giao dịch hành chính được xử lý nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng báo cáo, kiến nghị với Đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng báo cáo, kiến nghị với Đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam báo cáo tình hình địa phương với Đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam báo cáo tình hình địa phương với Đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm

Trở lại với 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, trên cơ sở báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương những kết quả khá toàn diện của 2 địa phương đã đạt được trong thời gian qua.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam như vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt với Quảng Nam và các địa phương miền Trung vẫn chưa được phát huy đầy đủ. Tổng Bí thư mong muốn lãnh đạo 2 địa phương quyết liệt triển khai ngay các giải pháp để khắc phục những điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

Thông tin sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, tên địa phương sau sáp nhập phải phát huy tốt hơn những tiềm năng và lợi thế vốn có của cả Quảng Nam và Đà Nẵng. Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau sáp nhập cần tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc con người xứ Quảng – trung dũng, kiên cường, gắn với giáo dục văn hóa, truyền thống; xây dựng con người thành phố hiện đại nhưng giàu bản sắc, nhân văn, sáng tạo.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính - đó là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực; cần phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển - để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, nhất là Quốc hội và Chính phủ, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để vùng đất Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới, nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng - Quảng Nam mới mà cho cả khu vực miền Trung và đất nước.

"Xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam và là một thành phố có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một Đà Nẵng- Quảng Nam mới cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp hình lưu niệm với Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban thường vụ tỉnh uỷ Quảng Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp hình lưu niệm với Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban thường vụ tỉnh uỷ Quảng Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, 2 địa phương triển khai mô hình “chính quyền số – đô thị thông minh- nền hành chính hiện đại"; nâng cao chất lượng vốn con người, thu hút nhân tài. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức Đảng gắn với mô hình quản trị mới; tiếp tục nâng cao đời sống người dân nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt tăng cường năng lực quốc phòng – an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống.

Đọc thêm