7 tháng xong thủ tục 1 dự án ODA
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói hiếm có dự án ODA nào mà khâu thủ tục được triển khai nhanh chóng như Dự án xây cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP), vì từ thời điểm trình hồ sơ đến khi ký được Hiệp định vay vốn với với Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ mất khoảng hơn… 7 tháng.
“Khâu đầu rất nhanh và giai đoạn sau - thi công, nghiệm thu, thanh toán cũng khá trôi chảy. Theo đó, các Ban quản lý dự án thuộc Tổng cục và 52 tỉnh thụ hưởng dự án này đã nỗ lực phối hợp để chưa đầy 3 năm đã có thể khởi công được hơn 2.000 cầu, và đến nay đã hoàn thành 1.600 cầu trên tổng số 2.174 cầu của giai đoạn 1 dự án theo Hiệp định”, ông Huyện nói.
- Được biết, quá trình triển khai các dự án ODA với các đối tác nước ngoài, thủ tục thường rất chặt chẽ, nhưng vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, chủ đầu tư lại có thể “cuốn chiếu”nhiều công trình từ khâu thi công cho đến nghiệm thu, thanh toán?
Giá trị của mỗi công trình cầu dân sinh này không lớn (khoảng 700 triệu - 2 tỷ đồng/cầu) nhưng tính minh bạch mà nhà tài trợ đỏi hỏi rất cao. Cụ thể, dự án này áp dụng cơ chế “giải ngân theo kết quả đạt được”. Có nghĩa sau khi thiết kế, thi công xong sẽ tiến hành kiểm toán nếu đáp ứng yêu cầu thì nhà tài trợ giải ngân ngay nên thực tế làm đến đâu cơ bản gọn đến đó.
- Với tốc độ này, khi nào giai đoạn 1 của Dự án LRAMP khép lại, thưa ông?
Đến thời điểm này còn 244 cầu của giai đoạn 1 đang được tiếp tục thi công. Và với “công thức” nói
trên, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành số còn lại trong năm 2020. Nếu vậy, giai đoạn 1 của dự án này sẽ “cán đích” sớm 1 năm so với kế hoạch. Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT để kiến nghị tiến hành tiếp giai đoạn 2 của dự án ý nghĩa này.
“Biết ơn người dân hiến đất xây cầu!”
- Người dân 52 tỉnh thụ hưởng dự án này nói gì về những cây cầu LRAMP sau khi nó được hoàn thành, đưa vào sử dụng, thưa ông?
Như đã nói, khác với với những công trình xây lắp khác, mức đầu tư của những công trình này không phải là lớn, nhưng giá trị mà những nhịp cầu này mang lại trên những dòng sông, con suối… thì vô cùng lớn đối với những người dân sống ở đôi bờ.
Thực tế, những cây cầu này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều làng bản, nhiều vùng nông thôn khắp từ Bắc tới Nam. Đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân nơi có cầu nhờ đó đã đổi thay.
Hình ảnh của những con lũ dữ, những dòng nước lớn mùa mưa bão cướp đi sinh mạng con người ở một số vùng quê đã lùi vào quá khứ kể từ khi những cây cầu LRAMP được bắc ngang nhiều con sông, con suối… Nhờ thế mà trẻ em đến trường an toàn hơn, nông sản người dân làm ra vận chuyển, thông thương nhanh hơn… Còn những người thân của nhau sống ở ven đôi bờ lui tới, thăm nom nhau nhiều hơn vì không còn cảnh đò giang cách trở, nguy hiểm như trước.
Để có được những cây cầu như thế ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của chính quyên các địa phương, chúng tôi rất biết ơn những người dân đã hiến đất xây cầu. Đa phần những vị trí làm đường dẫn đầu cầu của các công trình đều do người dân tự nguyện hiến tặng để làm đường nối vào cầu. Nếu không có sự trợ giúp quý báu này, dự án khó mà nhanh được như thế.
Có cầu dân sinh, người dân vùng miền núi không lo mưa lũ lúc sang sông. |
- Thưa ông, hiện có khoảng bao nhiêu cây cầu nữa cần triển khai theo mô hình này?
Đang còn khoảng 1.600 cầu cần được xem xét thực hiện trong giai đoạn sắp tới. Đại diện nhà tài trợ WB rất ủng hộ tiến hành giai đoạn 2 để xây dựng tiếp những công trình như thế.
Trên thực tế, từ khi thực hiện Đề án 186 cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số đến dự án 45 cầu thuộc chương trình “Nhịp cầu yêu thương” và nay là hàng ngàn cây cầu LRAMP - đã chứng minh được hiệu quả và sự cần thiết của những công trình này đối với những vùng đồng bào nghèo khắp cả nước. Vì thế, nếu được các Bộ, ngành ủng hộ, sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai dự án.
- Trân trọng cảm ơn ông!
LRAMP gồm 2 hợp phần chính. Trong đó, hợp phần Đường có tổng mức đầu tư là 3.296 tỷ đồng, do UBND 14 tỉnh là cấp Quyết định đầu tư, các Sở GTVT và Ban quản lý dự án địa phương triển khai thực hiện, với mục tiêu khôi phục cải tạo 676 km đường và 61.109 km được bảo dưỡng thường xuyên. Hợp phần cầu có tổng mức đầu tư là 5.798 tỷ đồng, mục tiêu đầu tư tối thiểu 2.174 cầu trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố do Tổng cục Đường bộ được Bộ GTVT ủy quyền là cấp quyết định đầu tư dự án thành phần và là chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án thuộc Tổng cục là Ban 3,4,6,8 và các Ban quản lý dự án địa phương triển khai thực hiện. Được biết, mới đây, Bộ GTVT đã có Quyết định điều chỉnh danh mục cầu của dự án, tăng thêm 270 cầu so với mục tiêu ban đầu là 2.174 cầu.