Tổng cục Thuế tiếp thu ý kiến xây dựng Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều ngày 8/12, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chủ trì Hội nghị xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.
Đại diện các DN trong nước và DN nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam tham dự hội nghị.
Đại diện các DN trong nước và DN nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam tham dự hội nghị.

Tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và đại diện 5 DN gồm: Công ty TNHH tư vấn thuế Deloitte Việt Nam; Công ty cổ phần tư vấn thuế EY Việt Nam; Công ty TNHH KPMG Việt Nam; Công ty TNHH PwC Việt Nam và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.

Nghị quyết số 107/2023/QH về thuế tối thiểu toàn cầu đã được tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, áp dụng từ ngày 01/01/2024 để đảm bảo vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, đây là một bước đi quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa các Tập đoàn đa quốc gia và Chính phủ để các Tập đoàn tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

“Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì nghiên cứu đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để triển khai tại Việt Nam.” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh thông tin.

Với Việt Nam việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là điều kiện cần thiết góp phần tăng nguồn thu cho NSNN từ phần thu thuế bổ sung và tăng cường hội nhập quốc tế và cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng 2 quy định: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR áp dụng đối với các Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và Quy định thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn QDMTT áp dụng đối với các Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

“Hiện Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị quyết để triển khai thực hiện…”- Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết.

Đồng thời bày tỏ, để xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Tổng cục Thuế mong muốn nhận được các ý kiến góp ý chi tiết, cụ thể tại Dự thảo Nghị định từ phía đại diện các DN.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đại diện các DN đều đồng tình cần thiết phải ban hành Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết về Thuế tối thiểu toàn cầu để triển khai thực hiện. Đồng thời thống nhất đề nghị Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến từ phía các DN tại hội nghị và bám sát hướng dẫn của OECD để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, từ đó sớm hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu.

“Chúng tôi ghi nhận và nhất trí cao việc Quốc hội Việt Nam đã quyết nghị phê chuẩn Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các DN Việt Nam có vốn đầu tư ở nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.” - đại diện DN nước ngoài bày tỏ tại hội nghị.

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 Tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế TNDN bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).

Đọc thêm