Tổng cục Thủy sản “cầm tay chỉ việc” các địa phương về IUU

(PLO) - Xung quanh vấn đề gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN).
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, 
Bộ NN&PTNN
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các nhiệm vụ mà ngành thủy sản hướng đến trong 6 tháng cuối năm?

- Qua hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thủy sản đã có báo cáo về nhiều mặt đã làm được, có kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít thách thức. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, việc gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản được coi là nhiệm vụ hàng đầu, bởi EU là thị trường lớn đối với sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu.

Theo ông, thời gian 6 tháng có đủ để Việt Nam hoàn thiện các khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC?

- Trước hết, tôi có thể nói rằng, nghề cá từ trước đến nay là nghề cá nhân dân. Hiện chúng ta đang chuyển dần nghề cá sang hướng công nghệ cao, việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là cần thiết.

Trong các khuyến nghị của EC, việc lắp đặt các thiết bị giám sát, định vị trên tàu là công việc không dễ hoàn thành trong thời gian 6 tháng. Hiện chúng ta đang có một số lượng lớn tàu đánh bắt thủy sản trong khi mới chỉ lắp đặt thiết bị giám sát được một phần nhỏ. Chính vì vậy, công việc này phải được tiến hành từng bước, ưu tiên cho tàu có chiều dài 24m trở lên lắp đặt trước.

Trong khi đó, chủ trương của Bộ NN&PTNN sẽ làm thí điểm tại Kiên Giang, sau đó sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác, nơi có nhiều phương tiện đánh bắt vi phạm như Khánh Hòa, Quảng Ngãi...

Trên thực tế, Đoàn Thanh tra EC cần thấy được nỗ lực, quyết tâm cũng như cải thiện tình hình thực tế về việc khai thác IUU của Việt Nam. Chúng ta có thể không hoàn toàn đáp ứng được toàn bộ các khuyến nghị của EC từ nay đến cuối năm nhưng việc chấm dứt hoàn toàn việc khai thác bất hợp pháp phải được thực hiện.

Ngoài ra, chúng ta cần có chế tài cụ thể và đủ sức răn đe đối với phương tiện vi phạm. Việc ghi nhật ký khai thác (đối với tàu trên 15m chiều dài - PV) là bắt buộc phải làm được.

Thưa ông, với vai trò tham mưu cho Bộ NN&PTNN về các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản, đặc biệt là vấn đề gỡ “thẻ vàng”, Tổng cục Thủy sản đã  thể hiện vai trò đó như thế nào?

- Đối với Tổng cục Thủy sản, chúng tôi đã tham mưu trình lên Bộ trưởng các văn bản chỉ đạo điều hành một cách sát sao, cụ thể. Các vấn đề liên quan 4 nhóm khuyến nghị của EC đang được Tổng cục khẩn trương thực hiện. Hai Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc và Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Tổng cục cũng đã hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt. 

Hiện, Bộ NN&PTNN đã trình Thủ tướng Dự án lắp đặt thiết bị nghề cá giai đoạn 2. Đây cũng là mục tiêu lâu dài để nghề cá hướng đến việc khai thác công nghệ cao nhưng vẫn tuân thủ các quy định pháp luật.

Tại thực tiễn các địa phương, Tổng cục đã “cầm tay chỉ việc”, các vấn đề liên quan đến khai thác IUU được thông qua các lớp tập huấn, các văn bản hướng dẫn cụ thể và sâu sát.

Mong muốn gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản là nỗ lực và cũng là quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp. Chúng ta sẽ hướng đến phát triển nghề cá trong tương lai theo hướng lâu dài, bền vững và có trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!  

Đọc thêm