Tổng cục trưởng ĐBVN: Dư luận hiểu sai “70km một trạm BOT” vì... báo chí?!

(PLO) - Trả lời PLVN, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN  phân trần: “Một số nội dung dự thảo là để phản biện, nhưng việc báo chí đăng khiến dư luận hiểu sai bản chất sự việc” xung quanh dự thảo Thông tư 49 về xây dựng các trạm thu phí đường bộ BOT.

 

 

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện: “Quy định xây dựng trạm BOT cách nhau 70km là không phù hợp”
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện: “Quy định xây dựng trạm BOT cách nhau 70km là không phù hợp”

Thêm vào, bớt đi từ ngữ mà không giải thích 

Bộ GTVT đang lấy ý kiến lần hai vào dự thảo Thông tư 49, quy định về xây dựng các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Điều đáng chú ý, đợt lấy ý kiến lần hai này bỏ đi một nội dung quan trọng so với dự thảo lần một. Theo đó, trong dự thảo lần một, Bộ GTVT quy định trạm thu phí cần cách nhau 70km. Việc xây trạm thu phí ngắn hơn khoảng cách trên cần lấy ý kiến Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh nơi đặt trạm thu phí.

Đến dự thảo lần hai, Bộ GTVT bỏ quy định các trạm thu phí cách nhau 70km. Việc bỏ đi quy định này khiến dư luận xôn xao, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Phía đồng ý bỏ quy định 70km cho rằng, nghị quyết của Quốc hội không cho phép xây dựng các Dự án BOT trên những tuyến cải tạo, nâng cấp lại mặt đường; BOT chỉ được đặt ở những tuyến đường mới mở. Do vậy, nếu quy định các trạm BOT cách nhau 70km sẽ khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với BOT do vốn thực hiện dự án quá lớn; thời gian thu hồi vốn lâu dài.

Ngoài ra, khi mở tuyến đường mới chiều dài không đến 70km thì không thể bắt chủ đầu tư “vẽ” thêm đường dài ra cho đúng quy định rồi mới đặt trạm BOT. Điều này là vô lí và không thực tế. Hơn nữa, theo khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, con số 70km mới được đặt trạm BOT là con số ước lượng chủ quan, không có cơ sở khoa học.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, Bộ GTVT cần giữ nguyên quy định khoảng cách 70km giữa các trạm BOT để tránh việc đặt trạm tràn lan, khoảng cách giữa các trạm quá ngắn, làm tăng phí vận tải đường bộ. 

Trong lúc vẫn còn nhiều ý kiến thì mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng “phê bình” Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vì nội dung “trạm thu phí cách nhau 70km”. Theo ông Thể, Chính phủ và Bộ GTVT không có chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu phí. 

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm, văn bản quy định khoảng cách giữa các trạm 70km nằm trong Thông tư 159 của Bộ Tài chính, ban hành từ năm 2013. Tuy nhiên, mới đây, Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường cũ, đường độc đạo nên quy định về khoảng cách giữa các trạm BOT không còn ý nghĩa.

Do đó, Bộ trưởng Thể cho rằng việc Tổng cục ĐBVN lấy ý kiến lần một vào dự thảo Thông tư 49 có nội dung các trạm BOT cách nhau 70km là không hiểu rõ bản chất sự việc. Ngoài ra, đến khi lấy ý kiến lần hai, đơn vị này “gắp” nội dung này ra khỏi dự thảo, khiến dư luận có sự băn khoăn so sánh, nhưng Tổng cục lại không có sự giải thích, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để dư luận hiểu. Vì thế, Bộ trưởng đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tổ soạn thảo; đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan tham gia xây dựng thông tư cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút kinh nghiệm để tránh không tái phạm lần sau.

"Thu phí" hay "thu giá" BOT đường bộ là 2 thuật ngữ gây tranh cãi suốt mấy ngày qua ở Quốc hội, trên công luận báo chí cũng như dư luận xã hội
"Thu phí" hay "thu giá" BOT đường bộ là 2 thuật ngữ gây tranh cãi suốt mấy ngày qua ở Quốc hội, trên công luận báo chí cũng như dư luận xã hội

Đưa ra ý kiến tại dự thảo chỉ để phản biện?

Để ban hành một Thông tư phải trải qua một số thủ tục cơ bản như dự thảo Thông tư, xây dựng Tờ trình, thuyết minh giải trình về những nội dung sửa đổi... Cơ quan tham mưu của Bộ GTVT khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật có Vụ Pháp chế; Tổng cục ĐBVN cũng có Vụ Pháp chế - Thanh tra. Do đó, nếu để xảy ra sai sót trong việc ban hành Thông tư sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến dự thảo Thông tư 49, trả lời PLVN, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn văn Huyện cho hay, quy trình dự thảo thì đưa ra nhiều ý kiến để phản biện, trong đó có nội dung trạm BOT cách nhau 70km; sau đó thấy không phù hợp thì đã bỏ nội dung này. “Đấy chỉ là dự thảo, không phải văn bản chính thức; dự thảo để phản biện, không nên đăng báo nhưng một số báo lại đăng lên khiến người ta hiểu khác đi...”, lời ông Huyện. 

Vị này còn cho biết thêm, ở nước ngoài có trường hợp, doanh nghiệp làm cầu 5km, mỗi đầu cầu có một trạm thu phí. “Ở nhiều nước phát triển, mức độ xã hội hóa đầu tư giao thông rất phổ biến; nhiều đường cao tốc 5km đã có trạm thu phí, được thu tự động”, ông Huyện nói thêm. Nhưng, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam lại khẳng định, quy định xây dựng trạm BOT cách nhau 70km là không phù hợp.

"Những việc ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp phải bàn thấu đáo; xem xét, lường trước khi ban hành Thông tư sẽ tác động thế nào để giải trình", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lên tiếng nhắc nhở cấp dưới.

Những “ồn ào” không đáng có

Chỉ trong một thời gian ngắn,Bộ GTVT đã gây “ồn ào” khi để xảy ra những sai sót, hiểu lầm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, giữa tháng 11/2017, dư luận cả nước xôn xao về nội dung Thông tư 45/2017/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không. Theo thông tư trên, Thẻ Đảng viên, Thẻ Nhà báo không phải là giấy tờ tùy thân làm thủ tục đi máy bay. Sau khi bị dư luận lên tiếng, Bộ GTVT đã thừa nhận sai sót và sửa lại nội dung Thông tư phù hợp với quy định pháp luật.

Đọc thêm