"Tổng Giám đốc chờ xăng dầu tăng giá mới nhập nên cách chức"

"Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tương đối ổn định chứ không như mua rau; kinh doanh phải tính toán chu trình, chu kỳ tiêu thụ xăng dầu, phải tìm khách hàng, thị trường, dịch vụ và thời điểm mua giá rẻ... Nếu Tổng Giám đốc mà chờ giá xăng dầu tăng rồi mới nhập thì nên cách chức Tổng Giám đốc đó đi...", PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, nói.
[links()]Học theo “ông điện”, “ông xăng dầu” cũng tăng giá theo kiểu “đánh úp”  khiến “thượng đế” vô cùng "tủi thân" với cái kiểu tăng giá vô tội vạ mà “không thèm báo trước một lời”… PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương), chia sẻ bức xúc về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại
PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại
- Ở Việt Nam, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 11 DN đầu mối “đảm trách”, trong đó riêng Petrolimex chiếm trên 60% thị phần. Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh, nếu một DN chiếm trên 30% thì đó là thống lĩnh thị trường, mà thống lĩnh thị trường chính là độc quyền. Như vậy, thực chất thị trường xăng dầu Việt Nam mang tính độc quyền, đã là độc quyền thì không thể để cho DN tự định giá được, đã là độc quyền thì lợi ích nhóm sẽ lấn át lợi ích người tiêu dùng, lợi ích xã hội.
Bất cập lớn nhất của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là không xác định được thị trường xăng dầu hiện nay là độc quyền hay cạnh tranh. Nếu độc quyền mà để cho DN tự định giá là không đúng, bởi lẽ Luật Quản lý giá quy định “những sản phẩm độc quyền, Nhà nước phải quyết định giá”. Chưa đủ điều kiện tạo lập thị trường nhưng  lại cứ “nhắm mắt” đẩy sang thị trường là không ổn. 

Từ 22h ngày 20/7/2012, giá xăng dầu trong nước tăng mức 300-400 đồng/lít. Cụ thể,  giá bán lẻ xăng A95 là 21.500 đồng/lít, xăng A92 là 21.000 đồng/lít, dầu DO là 20.300 đồng/lít, dầu hỏa từ 20.150 – 20.250 đồng/lít.

Việc tăng giá lần hai chỉ sau đúng 10 ngày, từ 14h ngày 1/8/2012, xăng tăng 900 đồng/lít và mặt hàng dầu tăng 500 đồng/lít. Cụ thể, xăng RON 92 có mức giá mới là 21.900 đồng/lít; dầu DO 0,05S  lên 20.800 đồng/lít, dầu hỏa lên tới 20.650 đồng/lít. 

13 ngày sau, ngày 13/8, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, kể từ 17h, giá xăng trong toàn hệ thống DN sẽ tăng 1.100 đồng/lít so với giá hiện hành; giá các mặt hàng dầu tăng 500-800 đồng/lít hoặc kg.

Theo đó, xăng RON 95 là 23.500 đồng/lít, xăng RON 92 là 23.000 đồng/lít; dầu hỏa và dầu mazut sẽ lần lượt có giá là 21.540 đồng/lít và 21.550 đồng/kg.

- Hiện nay, có tình trạng DN chỉ thông báo việc tăng giá xăng dầu trước ... 1 đêm. Trong khi đó, trả lời báo giới, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thường “khiêm tốn, nhường trách nhiệm cho nhau”, ông có bình luận gì?  

- Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, phải cân bằng, mục tiêu ổn định nền kinh tế là hàng đầu chứ không chỉ chăm chăm tối đa hóa lợi nhuận của DN. Ở các nước khác, mặt hàng xăng dầu càng ổn định càng tốt, không cưỡng lại xu hướng giá thế giới nhưng không để nó “nhảy múa” theo giá thế giới, vì ổn định mặt hàng này kéo theo ổn định nhiều ngành nghề khác  và giúp ổn định cho toàn nền kinh tế. 
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tương đối ổn định chứ không như mua rau; kinh doanh phải tính toán chu trình, chu kỳ tiêu thụ xăng dầu, phải tìm khách hàng, thị trường, dịch vụ và thời điểm mua giá rẻ. Chứ điều hành theo kiểu giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước lập tức công bố tăng giá là kiểu “nói dối”, là cái cớ vì thực tế anh có phải nhập giá xăng ở mức giá ngất ngưởng đó hay không?.
Nếu Tổng Giám đốc mà chờ giá xăng dầu tăng rồi mới nhập thì nên cách chức Tổng Giám đốc đó đi vì xăng dầu thế giới tuần trước tăng, tuần này giảm, anh có giảm hay không?. Mà cán bộ nhà nước cũng “a dua” giải thích theo ý DN, thử hỏi, những cán bộ đó đáng tin cậy không?.
Anh chủ quản thì phải đồng trách nhiệm, chứ không thể nói không biết, như thế là sự vô trách nhiệm, không thể “đá quả bóng trách nhiệm” lung tung được. 
Theo tôi, với thực tế hiện nay, chỉ nên trao quyền cho DN “kiến nghị, đề xuất” việc tăng giá xăng dầu, mức giá và thời gian tăng cụ thể, chứ chưa nên trao quyền cho DN tự quyết định tăng giá xăng dầu cho DN.
- Theo ông, để có thị trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh, bình đẳng, quyền lợi của “thượng đế” được tôn trọng, chúng ta phải làm gì? 
- Chúng ta cần sớm đưa việc kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, thượng tôn pháp luật. Hoạt động theo cơ chế thị trường không phải tự do, tự phát, muốn làm gì thì làm mà phát triển theo nền kinh tế thị trường được kiểm tra, kiểm soát bằng công cụ kinh tế. Lẽ ra, Tổng Công ty phải chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả và chất lượng với người tiêu dùng. Thực tế, chính các đại lý Honda đã học theo kiểu này, khi cầu tăng cao, đại lý tự ý tăng 3-4 triệu đồng/chiếc với “luận điệu” “tôi đã mua đứt, bán đoạn, nên tôi có quyền tăng giá”.
Trước hết, cần nhận thức rằng để tạo lập thị trường cạnh tranh thì phải có nhiều Cty cạnh tranh với nhau. Đơn cử như ngành viễn thông có “ông” VNPT, đẻ thêm “ông” Viettel (cùng là nhà nước) nhưng ngay lập tức có cạnh tranh quyết liệt ngay. Theo tôi, ngành xăng dầu có thể chia thành 3 TCty xăng dầu phụ trách 3 miền thì ngay lập tức sẽ có cạnh tranh; chứ còn một DN thống lĩnh tới 60% thị trường cả nước thì “đào” đâu ra cạnh tranh?.
Những “anh” bé hơn không dại gì tiên phong mà chỉ nhìn theo “anh lớn” mà hành động, “anh lớn” lên giá thì cũng lên giá, hạ thì cũng hạ theo kiểu “nước nổi thì bèo nổi”. Anh này kiếm lợi thì họ cũng lợi, mặc dù đôi lúc vênh nhau song “lợi ích đồng hành” vẫn lớn hơn.
Thứ hai, Nhà nước sẽ điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, như chính sách thuế, chính sách tài chính...; phải điều chỉnh bằng công cụ kinh tế chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, “cắt bỏ” mọi thủ tục xin - cho, thiếu minh bạch. Bởi lẽ, đã có thời kỳ chính sách thuế cản trở thị trường, khi giá xăng dầu thế giới thấp thì đánh thuế giá cao để DN nhập ít (căn cứ vào báo cáo của TCty mà không biết thực tế có đúng thế không ...).
Thứ ba, Nhà nước sẽ trao quyền tự chủ kinh doanh cho DN, không cầm tay chỉ việc nữa. Nhà nước sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ, chỉ tuân theo luật pháp thôi. 
Đó là ba yếu tố tạo lập thị trường, chứ không phải như hiện tại cho DN định giá thì coi như hoạt động theo kinh tế thị trường. Mà DN độc quyền bao giờ cũng vì lợi ích DN là hàng đầu; còn người ta giải trình, mô tả thì có hàng nghìn cách “lọt tai”, quyền lợi người tiêu dùng hay mục tiêu ổn định nền kinh tế bị “đặt xuống hàng thứ”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Hoa (thực hiện)

Đọc thêm