Tổng Giám đốc PVN: Mô hình tập đoàn kinh tế phát triển quá “nóng”!

(PLO) - Đề cao vai trò các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, DNNN còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có việc phát triển quá “nóng”, mở rộng đa ngành nhưng thiếu chú trọng lĩnh vực cốt lõi… 
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đánh giá, đa số TĐKTNN hoạt động ở thị trường trong nước, hội nhập quốc tế còn hạn chế
Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đánh giá, đa số TĐKTNN hoạt động ở thị trường trong nước, hội nhập quốc tế còn hạn chế

Kết quả hoạt động chưa tương xứng nguồn lực

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển TĐKTNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định, sự ra đời và phát triển của các TĐKTNN đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đưa Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc PVN cũng chỉ rõ, trong quá trình hoạt động, mô hình TĐKTNN ít nhiều đã bộc lộ một số vấn đề cần phải giải quyết. Biểu hiện chủ yếu là phát triển quá “nóng”, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính, quản trị...  Kết quả, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (tài nguyên, đất đai, vốn, công nghệ...); gặp khó khăn trong quản lý khi tham gia vào các lĩnh vực rủi ro (tài chính, ngân hàng, bất động sản...). Phạm vi hoạt động của đa số các TĐKTNN chủ yếu là thị trường trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế. Sự liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn chưa cao, chưa thể hiện được bản chất của TĐKT, chưa thể hiện rõ được vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực, các ngành khác.

Đại diện PVN cũng cho rằng, ảnh hưởng của các TĐKTNN đối với nền kinh tế là rất sâu, rộng. Khi các TĐKT hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà hơn thế nữa, còn tác động tới niềm tin của xã hội vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, chính sách của Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói chung, các TĐKTNN nói riêng, một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế. Trong đó, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các TĐKT chủ lực của đất nước.

Xây dựng thể chế để hạn chế nhược điểm

Theo PGS.TS Vũ Văn Hà, vai trò của DNNN trong nền kinh tế rất quan trọng, ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho tới các nền kinh tế mới nổi và các nước có thu nhập thấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở Việt Nam, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các TĐKT hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN; chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Vẫn vấn đề này, ông Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, tình hình xã hội đã khác trước, nhiều cái mới đặt ra đòi hỏi phải cập nhật, phải suy nghĩ để làm cho phù hợp. Đó là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - đang tác động sâu rộng trong mọi mặt hoạt động của nền kinh tế. “Chớp thời cơ, khắc chế nguy cơ, trong đó vai trò của các TĐKTNN là rất quan trọng”, ông Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, muốn phát triển TĐKTNN thì có nhiều yếu tố nhưng trong đó, yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu là vấn đề thể chế. “Trong thời gian tới, quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy các TĐKTNN phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn phải được đồng bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, phù hợp với quy luật thị trường, với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tế”, ông Phú nói. 

Đọc thêm