Tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày 18/3: EU đóng cửa biên giới, nhiều quốc gia phải tung gói cứu trợ

(PLVN) - Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố: "EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay".
Tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày 18/3: EU đóng cửa biên giới, nhiều quốc gia phải tung gói cứu trợ

Tối 17/3 theo giờ địa phương (rạng sáng 18/3 theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố các nước thành viên sẽ đóng cửa biên giới đối với người ngoại khối trong thời hạn 30 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ông nhấn mạnh: "EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay".

Ngoài lệnh cấm trên, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế.

Cho đến cuối ngày 17/3, Italy ghi nhận thêm 345 ca tử vong và 3.526 ca mắc Covid-19, nâng tổng số  người thiệt mạng tại nước lên 2.503 và 31.506 ca nhiễm.

Số liệu cho thấy  ca nhiễm mới đã tăng đáng kể so với ngày thứ 16/3, nhưng số nạn nhân thiệt mạng giảm đi, đồng thời đã có thêm 192 bệnh nhân hồi phục. Nhìn vào các con số, có thể hy vọng dịch Covid-19 tại nước này đang dần vượt qua đỉnh.

Tuy nhiên, nhận định về diễn biến sắp tới, Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, Angelo Borrelli cho rằng, vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá tổng quát bởi Italy cần hết sức cảnh giác trước khả năng trong những ngày tới dịch lan xuống các tỉnh miền Nam Italy vốn có hạ tầng y tế yếu kém hơn.

Tại Tây Ban Nha, nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai của dịch Covid-19 tại châu Âu, tổn thất nhân mạng vẫn đang gia tăng rất nhanh.

Trong ngày 17/3, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 183 ca tử vong, tăng 53% so ngày hôm trước, cùng hơn 2.000 ca nhiễm mới. Tổng cộng nước này hiện có 11.681 ca mắc Covid-19 và 524 bệnh nhân thiệt mạng từ khi dịch bùng phát.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ tử vong tại một số vùng tâm dịch tại Tây Ban Nha, như thủ đô Madrid, thậm chí còn cao hơn vùng Lombardy của Italia, ở mức lên tới 7%.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này là 200 tỷ Euro, tương đương 20% GDP của Tây Ban Nha.

Gói cứu trợ này bao gồm các khoản cho vay, các khoản bảo lãnh tín dụng cũng như trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động. Chính phủ Tây Ban Nha sẽ chi ra 117 tỷ Euro, phần còn lại sẽ do các doanh nghiệp tư nhân đóng góp.

Tại Pháp, do mức độ lây nhiễm lan nhanh trong tuần qua tới mức báo động, Chính phủ Pháp đã ban hành hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế đà lây lan từ việc cấm tụ tập đông người cho tới lệnh đóng cửa các nơi ăn uống, vui chơi, mua sắm nhưng rất nhiều người vẫn không tuân thủ. Vì vậy, Tổng thống Pháp đã phải tuyên bố rằng, nước Pháp đang trong một cuộc chiến tranh với dịch bệnh Covid-19, đồng thời ra lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm hạn chế tối đa sự di chuyển, tiếp xúc của người dân.

Hơn 100 nghìn cảnh sát và hiến binh Pháp được triển khai trên toàn lãnh thổ để bảo đảm người dân tuân thủ lệnh hạn chế đi lại.

Riêng ở Paris và ba tỉnh ngoại ô có 150 trạm kiểm soát với 3 nghìn cảnh sát để giám sát.

Ngay trong sáng 17-3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng khủng hoảng bệnh dịch có thể kéo dài và để lại hậu quả nghiêm trọng, đồng thời thông báo về gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp trị giá 45 tỷ euro cho các doanh nghiệp Pháp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và có thể thay đổi tùy theo thời gian và biện pháp chống dịch bệnh.

Số người tử vong vì virus corona ở Iran đã tăng lên 988 ca và tổng cộng 16.169 người được xác nhận nhiễm bệnh trên cả nước. Đây là một trong những quốc gia bùng phát dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc - nơi khởi phát dịch SARS-CoV-2.

“Tới nay, khoảng 85.000 tù nhân đã được thả. Trong các nhà giam, chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đối phó bùng phát dịch”, người phát ngôn Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaili nói.

“Khoảng 50% tù nhân được thả là những người bị giam giữ liên quan tới an ninh”, ông Esmaili cho biết khi trả lời trong cuộc họp báo phát sóng trên truyền hình quốc gia, về việc liệu trong số những người được phóng thích có tù nhân chính trị hay không.

Trước đó, Iran đã thông báo phóng thích 70.000 tù nhân hôm 9/3 để ứng phó với virus, nhưng những người bị giam giữ vì chính trị không nằm trong số này.

Hôm 10/3, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Iran cho biết ông đã đề nghị Tehran tạm thời phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị khỏi các trại giam quá tải và đầy bệnh tật để giúp ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

Hàn Quốc đã ghi nhận các ca nhiễm coronavirus mới hàng ngày ở hai chữ số cho ngày thứ ba liên tiếp, nhưng số liệu kiểm kê hàng ngày ở Seoul và các khu vực lân cận đã vượt qua ở tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang.

Hàn Quốc đã quyết định nghỉ học thêm hai tuần nữa đến ngày 6 tháng 4. Tất cả các trung tâm chăm sóc trẻ em cũng được lệnh đóng cửa cho đến ngày 6 tháng Tư.

Tại Việt Nam, 19h ngày 17/3, Bộ Y tế cho biết đã có thêm 5 ca bệnh mắc COVID-19, đều là những người trở về từ nước ngoài. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, VIệt Nam có 66 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 16 ca đã khỏi bệnh.