Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW: Cần phải thay đổi quy trình trọng dụng, đãi ngộ trí thức

(PLVN) -  Các chuyên gia cho rằng, muốn thu hút được nhân tài thì phải có một chế độ đãi ngộ xứng đáng và một môi trường tốt cho họ sáng tạo, phát triển. Vì vậy, cần phải thay đổi quy trình từ phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ… sang quy trình đãi ngộ, trọng dụng, phát hiện, thu hút.
Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Cần định lượng được các đóng góp của đội ngũ trí thức

15 năm qua, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết 27-NQ/TW) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo ra động lực quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Thực tiễn công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW đã chỉ ra rằng, những đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện rõ nét thông qua các thành quả tích cực trong phát triển của các ngành, lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, sự phát triển của đội ngũ trí thức đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới thì đến năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD.

Cùng với đó, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc. Năm 2020 Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Hệ thống sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa… Từ những chuyển biến tích cực đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của đất nước, sự phát triển của đội ngũ trí thức nước ta hiện còn một số hạn chế, bất cập. Nhìn nhận về những hạn chế này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thẳng thắn cho rằng đã đến lúc phải đánh giá hết sức cụ thể, định lượng được các ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức có tăng lên hàng năm hay không. Ông Huỳnh cũng dẫn chứng Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đề cập đến việc tiếp nhận, phản hồi các ý kiến đóng góp của kiều bào để từ đó thấy được các ý kiến đóng góp tăng lên/không tăng lên ở những quốc gia nào? Tức là phải phân loại để biết được vì sao cùng một chính sách chung mà với quốc gia này, ý kiến đóng góp tăng lên, ở quốc gia kia lại giảm đi.

LS Trần Hữu Huỳnh.

Nhưng theo ông Huỳnh, xu hướng hiện nay là đội ngũ trí thức ngày càng quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến nhiều hơn, đây là điều rất đáng phấn khởi nên chúng ta phải tổ chức cho thật tốt. Đơn cử, trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, sau nhiều năm Bộ Xây dựng vốn chỉ nói đến sở hữu nhà chung cư có thời hạn thì nay cách tiếp cận đã khác đi, chú trọng hơn tới vấn đề an toàn trong sử dụng nhà chung cư và đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, thậm chí của cả người dân.

Đề xuất xây dựng mô hình “Làng trí thức”

Nghị quyết số 27 nêu rõ quan điểm trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước…

Bàn thêm về giải pháp thu hút đội ngũ trí thức trẻ, Luật sư Trần Hữu Huỳnh kiến nghị, phải có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn đội ngũ trí thức trẻ cống hiến xây dựng đất nước. Chúng ta đã làm rồi, như hướng dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, song những xu hướng khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên thể chế phải nhanh hơn nữa, trước hết nên ban hành nghị quyết về cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn…

Tán thành những quan điểm trên, Luật sư Trần Hữu Huỳnh một lần nữa khẳng định, đội ngũ trí thức là vốn quý của quốc gia, cần tôn trọng, trân trọng, tôn vinh họ. Các ý kiến đóng góp của họ dù khó nghe cũng phải có kênh tiếp thu, không tiếp thu thì cần có phản hồi, giải trình vì sao. Ở đây, không đơn thuần chỉ là vấn đề vật chất (lương bổng, đãi ngộ) mà phải có không gian cho trí thức làm việc, không gian đó phải nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe, có sự giải trình đầy đủ… Đồng thời, phải tôn trọng ý kiến cá nhân độc lập của mỗi trí thức; tổ chức hội, đoàn phải thực sự dân chủ, bầu ra được người thực sự là “trí thức của trí thức”, người phải có cả tâm và tài.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một trong những nội dung, giải pháp được đề cập trong giai đoạn tới là hoàn thiện thể chế trọng dụng trí thức, người hiền tài; tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo… Trao đổi về giải pháp này, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tâm niệm, cần đổi mới tư duy về trọng dụng người tài theo hướng thử làm quy trình “ngược”.

Theo ông Sỹ, lâu nay chúng ta xây dựng chính sách trọng dụng người tài theo quy trình là phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ. Nay ta phải quan tâm đến các chính sách đãi ngộ và trọng dụng là trước hết và trên hết. Nếu chúng ta phát hiện, thậm chí thu hút được nhân tài nhưng kèm theo đó là “ba không”: không có chế độ thu nhập, đãi ngộ xứng đáng; không có “đất” để cho người tài dụng, tức là không có môi trường tốt để họ sáng tạo và cống hiến và không có hy vọng cho sự thăng tiến thì cũng không thể thu hút, giữ chân được nhân tài. Muốn thu hút được nhân tài thì phải có một chế độ đãi ngộ xứng đáng và một môi trường tốt cho họ sáng tạo, phát triển. Vì vậy, cần phải thay đổi quy trình từ phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ sang quy trình đãi ngộ, trọng dụng, phát hiện, thu hút.

Ông Đinh Dũng Sỹ.

Nhớ lại những ngày mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tư tưởng đại đoàn kết và trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được rất nhiều nhân tài cả trong và ngoài nước trở về cống hiến cho đất nước. Thời điểm đó, họ về nước phụng sự Tổ quốc vì lòng khâm phục và tôn kính vô bờ bến đối với tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì tình yêu của họ đối với đất nước, họ sẵn sàng đóng góp, sẵn sàng cống hiến, thậm chí hy sinh mà không màng đến danh lợi. Còn bối cảnh hiện nay, khi toàn cầu hóa đã và đang chi phối mạnh mẽ sự phân công lao động xã hội và dịch chuyển nguồn nhân lực không biên giới, cùng với sự tác động, chi phối bởi các yếu tố thực dụng của nền kinh tế thị trường thì vấn đề đãi ngộ đối với nhân tài cần phải được chú trọng một cách thỏa đáng, không thể chỉ dừng lại ở những lời hiệu triệu, khích lệ tinh thần yêu nước và tinh thần cống hiến.

“Điều này đã được thực tế trả lời khi Việt Nam hiện có nhiều nhân tài tầm cỡ thế giới, hàng nghìn trí thức được học tập, đào tạo ở các nước tiên tiến (trong hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài) nhưng họ đang ở lại nước ngoài làm việc vì mưu sinh, mặc dù rất nhiều người trong số họ luôn hướng về Tổ quốc, muốn được cống hiến cho đất nước”, ông Đinh Dũng Sỹ lưu ý.

Cũng theo ông Sỹ, để cụ thể hóa quy trình trên, cần xây dựng một số chính sách ưu đãi, trọng dụng người tài thật cụ thể, thiết thực, đủ sức hấp dẫn về nhà ở, thu nhập, môi trường làm việc phù hợp. Trong đó, về chính sách nhà ở, ông Sỹ cho rằng, đây là một trong những ưu đãi đặc biệt quan trọng để thu hút người tài. Nhà nước cần xây dựng mô hình “Làng trí thức” hay đơn giản là xây dựng hoặc đi thuê những tòa nhà ở những thành phố, trung tâm kinh tế lớn với những căn hộ dành riêng cho những nhân tài thu hút được.

Trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của UBND huyện Tuy Phước (Bình Định), Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Nam đã nêu một số giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ trí thức. Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến. Đổi mới, đa dạng hóa phương thức vận động, kết nối, tập hợp và động viên đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đọc thêm