Tổng kết Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam: Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, trần quân hàm

(PLVN) - Hiện nay, quy định về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của mỗi cấp bậc quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đều thấp hơn Luật Công an Nhân dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Luật Lao động. Do đó, các quân khu, quân binh chủng đề nghị nghiên cứu, sửa đổi trong thời gian tới.
Lãnh đạo Quân khu 5 trao bằng khen tặng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Diệp)
Lãnh đạo Quân khu 5 trao bằng khen tặng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Những ngày qua, các quân khu, quân binh chủng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (gọi tắt là Luật Sĩ quan-LSQ) giai đoạn (1999-2023). LSQ ban hành năm 1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 và 2014 là văn kiện quan trọng, là cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Luật còn là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp ủy, chi bộ, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan Chính trị quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện.

Hiệu quả thi hành Luật Sĩ quan

Từ năm 1999 đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, binh chủng…, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, triển khai LSQ, các nghị định, thông tư, hướng dẫn của trên, kịp thời cụ thể hóa sát đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; đồng thời phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục LSQ và các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng; tuyển dụng, tuyển chọn; nhận xét, đánh giá, điều động, bổ nhiệm, đề bạt quân hàm sĩ quan, nâng lương cán bộ được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định. Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan trẻ, những cán bộ có phẩm chất, trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tạo nguồn cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp. Công tác chính sách cán bộ và hậu phương cán bộ luôn được quan tâm đúng mức; tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ an tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Công tác sĩ quan dự bị và chính sách cho sĩ quan dự bị được triển khai thực hiện đúng quy định.

Qua đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ sĩ quan có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, lối sống lành mạnh; năng lực lãnh đạo, chỉ huy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có tư duy đổi mới và phương pháp làm việc khoa học; có khả năng phân tích, xử lý tốt các tình huống xảy ra.

Theo Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy QK1, từ năm 2000 đến nay đã có 52 cơ quan, đơn vị trực thuộc QK1 thực hiện kế hoạch, quyết định về giải thể, sáp nhập, tổ chức lại bảo đảm chặt chẽ, giữ vững ổn định về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hằng năm cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tuyển chọn nguồn sĩ quan đi đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm chặt chẽ, khách quan, dân chủ, đúng đối tượng; gắn chặt giữa đào tạo theo chức vụ với đào tạo nâng cao trình độ học vấn và quy hoạch sử dụng cán bộ. 23 năm qua, QK1 đã xét duyệt, cử đi đào tạo, bồi dưỡng các loại hình hơn 12.400 đồng chí; đến nay tỷ lệ sĩ quan có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 96,1%, sau đại học đạt 3,34% (tăng 1,53% so với năm 2000)…

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK9, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn của trên về công tác đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan; xây dựng kế hoạch, tuyển chọn nguồn sĩ quan đi đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, tiêu chuẩn; thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các nội dung về công tác chính sách đối với cán bộ và hậu phương gia đình cán bộ, nhất là chính sách về nhà ở.

Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 9 cho biết, đến nay, QK9 đã xây dựng được 1.091 căn nhà ở công vụ; tổ chức vận động, hỗ trợ xây dựng được 4.800 căn “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”... cho cán bộ tại chức, qua đó góp phần giải quyết một phần khó khăn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ ổn định cuộc sống, an tâm công tác và cống hiến.

Trên cơ sở quy hoạch, QK2 đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ, sĩ quan đi luân chuyển thực tế để rèn luyện ở cơ sở; xây dựng đội ngũ sĩ quan có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có năng lực, uy tín cao, tư duy nhanh nhạy. Đặc biệt chú trọng xây dựng sĩ quan cao cấp có tầm nhìn chiến dịch, chiến lược “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. QK2 đã và đang thực hiện kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ đối với số bác sĩ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao. Riêng đội ngũ sĩ quan cấp úy và cấp Thiếu tá, Quân khu có chủ trương cho kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi. Qua đó, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, góp phần động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, gắn bó xây dựng cơ quan, đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, bảo đảm phụ cấp nhà ở

Góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội có “tâm - tầm - trí”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đại biểu dự các hội nghị đã tích cực nghiên cứu, thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện LSQ; làm rõ sự phù hợp của 11 chức vụ cơ bản theo nội dung Luật với chức vụ, chức danh tương đương và trần quân hàm cao nhất tại các văn bản quy định chi tiết; làm rõ quy định về độ tuổi phục vụ tại ngũ có phù hợp không, hay chế độ chính sách cho cán bộ, sĩ quan theo Luật hiện nay cần điều chỉnh gì…

Thứ trưởng Phạm Hoài Nam chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ Quân chủng Hải quân. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Thứ trưởng Phạm Hoài Nam chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ Quân chủng Hải quân. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện LSQ do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức, các đại biểu thảo luận, thống nhất đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Trong đó, đề nghị sửa đổi, điều chỉnh quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan để phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019; sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định về tuổi của sĩ quan dự bị; đề nghị sửa đổi một số nội dung trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cho phù hợp với tình hình thực tế…

Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 cho biết, quá trình thực hiện LSQ còn một số bất cập như đối với sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu không đủ điều kiện để được hưởng 75% lương do không đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội. Trần quân hàm cao nhất của một số chức danh giữa cơ quan quân sự, công an cấp tỉnh như hiện nay chưa thống nhất, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế, vai trò tham mưu, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Chính sách tiền lương đối với sĩ quan hiện nay chưa tương xứng với tính chất đặc thù của ngành lao động đặc biệt. Quy định về thời gian nghỉ việc kể từ ngày vợ sinh để hưởng chế độ thai sản đối với nam lao động (nam quân nhân) còn bất cập, chưa phù hợp với hoạt động quân sự…

QK2 đề xuất xem xét tăng tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan cấp bậc quân hàm Trung tá trở xuống để đủ điều kiện được hưởng tỷ lệ lương hưu 75% và không lãng phí đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, còn sức khỏe tốt; nâng lương vượt khung đối với sĩ quan đã được nâng lương lần hai; ban hành nghị định, thông tư, hướng dẫn thực hiện nội dung tại Khoản 7, Điều 31 của LSQ, sửa đổi, bổ sung năm 2014 về bảo đảm phụ cấp nhà ở, chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công vụ cho sĩ quan theo hướng đưa vào lương hằng tháng của sĩ quan… Quan điểm này cũng là đề xuất của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, QK5.

Học viện Hậu cần kiến nghị, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng một số nội dung về chính sách, chế độ nhà ở, đất ở đối với sĩ quan. Học viện cũng đề nghị bổ sung chức danh tương đương của các chức vụ: Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Học viện và cấp phó các phòng, khoa, Viện, Tạp chí, ban, bộ môn. Điều chỉnh chức danh tương đương của Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Hậu cần quân sự để tương xứng với yêu cầu tiêu chuẩn chức vụ…

Quân khu 5 đề xuất nam cấp tướng tuổi nghỉ hưu là 60

Đề xuất điều chỉnh tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo hướng tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, Quân khu 5 kiến nghị, đề xuất bổ sung sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau: Cấp úy (nam 52, nữ 50), Thiếu tá (nam 54, nữ 51), Trung tá (nam 55, nữ 53), Thượng tá (nam 57, nữ 55), Đại tá (nam 58, nữ 56), cấp tướng (nam 60, nữ 58).

Đề nghị quy định về trần quân hàm cao nhất đối với sĩ quan, đề nghị điều chỉnh trần quân hàm cao nhất đối với các chức danh: Phó tham mưu trưởng phụ trách nội bộ, Phó chủ nhiệm Chính trị phụ trách nội bộ, Chủ nhiệm Hậu cần - kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lên nhóm chức vụ có trần quân hàm Đại tá; Phó trung đoàn trưởng, Phó chính ủy trung đoàn và tương tương, Chủ nhiệm Chính trị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra lữ đoàn và tương đương lên nhóm chức vụ trung đoàn trưởng, trần quân hàm Thượng tá.

Đề nghị bổ sung chức danh Trợ lý Chính trị kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn Khung thường trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện, trần quân hàm Trung tá.

Đọc thêm