Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 12,1%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 ước đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng.

Trong đó, bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng; ngược lại, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm lần lượt 3,5% và 4,6% do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài); lưu trú và ăn uống tăng 5,2%; du lịch tăng 10,5%.

Thị trường hàng hóa tháng 4 không có biến động bất thường. Nhu cầu hàng hóa nhóm trang thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giầy dép… tăng khi thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè.

Do có các dịp nghỉ lễ kéo dài (Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 và 01/5) cùng với nhiều chương trình kích cầu du lịch trong nước được triển khai nên nhu cầu du lịch, dịch vụ của người dân tăng lên đáng kể.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá một số mặt hàng trong nước như phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thép xây dựng tăng so với tháng trước.

Giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng như xăng dầu tiếp tục được điều hành theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới nhưng hạn chế biên độ biến động để bình ổn thị trường trong nước, giá LPG trong tháng 4 cũng được điều chỉnh tăng theo giá thế giới.

Dự báo, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần; Việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng; Đồng thời, triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.

Tuy nhiên thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine.