Luật nào cũng vướng
Trưởng Ban pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn đã không đủ thời gian để trình bày những vấn đề cần sửa đổi bổ sung của từng luật mà chỉ “gói” trong từng vấn đề như liên quan đến điều kiện kinh doanh, về tính thống nhất liên thông, về công bằng minh bạch… Đơn cử như chỉ với Luật Thương mại, VCCI đã nhặt ra 10 nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong đó nhiều nội dung quy định trong luật này không hợp lý, mâu thuẫn với Luật Đầu tư, Luật DN hoặc đã được quy định trong Luật Đầu tư, Luật DN…
Hay như danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014 cũng được VCCI kiến nghị bỏ đến 29 ngành nghề như: kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ tư vấn xác định giá trị DN cổ phần; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; hoạt động dạy nghề; kinh doanh dịch vụ việc làm; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô...
Luật Kế toán quy định người đứng đầu phải có bằng kế toán viên trong khi chủ điều hành DN không nhất thiết phải có bằng này; Luật Điện ảnh yêu cầu DN phát hành phim phải có rạp chiếu phim không cần thiết vì DN có thể thuê rạp chiếu phim; Luật Viễn thông quy định DN phải có khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp; có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi… là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN…
Mặc dù Trưởng ban Pháp chế VCCI lưu ý 37 luật này mới là rà soát ban đầu, tập trung vào những luật có tác động nhiều đến DN, thế nhưng chủ trì Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà đã bổ sung ngay một số luật liên quan đến hoạt động của DN đang vướng hiện nay như Điều 292 của Bộ luật Hình sự liên quan đến cộng đồng khởi nghiệp hay một số nội dung của Luật An toàn thông tin mạng…
Giám đốc đối ngoại của Apolo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Dung chỉ ra những bất cập trong các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi Luật Đầu tư thông thoáng nhưng luật chuyên ngành lại không có sự điều chỉnh, chẳng hạn trong danh mục hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư, Luật Đầu tư không yêu cầu phải nộp đề án tiền khả thi nhưng Nghị định 73 (quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục theo Luật Giáo dục) vẫn yêu cầu; Luật Đầu tư đã bãi bỏ thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ với dự án giáo dục nhưng Nghị định 73 vẫn quy định …
Ông Lê Ái Thụ, Tổng Hội địa chất Việt Nam chỉ ra một loạt bất cập trong pháp luật về khoáng sản, đặc biệt tình trạng Luật không quy định nhưng Nghị định lại quy định hay quy định không khả thi, tính khả thi thấp (quy định về hồ sơ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, quy định về đấu giá quyền khai thác khoán sản…), thậm chí quy định cả những chức danh mà thế giới không có (giám đốc mỏ)
Đề xuất “một luật sửa nhiều luật”
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc rà soát bất cập tại các luật lần này và dự kiến xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh là cơ hội tốt giúp nhanh chóng sửa đổi các điểm vướng mắc mà không quá phụ thuộc vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội; giúp xem xét hệ thống pháp luật trên tổng thể, thay vì tình trạng “cát cứ thẩm quyền” như trước đây, qua đó so sánh quy định của nhiều lĩnh vực để các bộ ngành học hỏi lẫn nhau, tìm ra công thức quản lý chung…
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc ước tính, với con số 37 luật mà VCCI đề xuất, cộng với ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo thì con số luật cần sửa đổi, bổ sung lên tới 50 luật với khoảng 150 quy định. “Với những mục tiêu đã đề ra như đến năm 2020 Việt Nam phải đạt chuẩn môi trường kinh doanh tốt nhất nằm trong 3 nước ASEAN dẫn đầu, hướng tới 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020, thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU... thì áp lực cải cách thể chế là rất lớn…”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chính điều này đã đặt ra yêu cầu về việc xây dựng, sửa luật theo quy trình rút gọn nhằm khắc phục những bất cập trên thực tế thay vì 4-5 năm mới sửa một luật như trước kia. Ông Lộc cho biết sẽ đề xuất Quốc hội việc sửa luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật” để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa cho DN.
“Đòi hỏi của thực tiễn và hội nhập sẽ khiến cho 5 năm tới, việc hoàn thiện thể chế phải bằng 30 năm trước và 5 năm tới sẽ quyết định số phận của nền kinh tế Việt Nam là đi lên hay tụt xuống…”- Chủ tịch VCCI lưu ý.
Đồng tình với cơ chế “một luật, sửa nhiều luật”, Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Chủ tịch VIAC) cho rằng với nhiều luật cần sửa như hiện nay, để thuyết phục Quốc hội, tránh bị bỏ sót, sau Hội thảo này nên tổ chức một lần nữa theo nhóm vấn đề, giao cho Hiệp hội DN có Luật liên quan cùng bộ quản lý, chuyên gia độc lập để cùng thảo luận trước khi trình Chính phủ.
Luật sư Huỳnh cũng đề nghị, ngoài VCCI, Bộ KH&ĐT, đại diện các Ủy ban của Quốc hội có liên quan, Văn phòng Chính phủ cần tham gia ngay từ đầu và đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông để xã hội cùng tham gia… Theo Luật sư Huỳnh, việc sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh lần này nên được coi là một cuộc “tổng tấn công” vào những gì đang cản trở đầu tư, kinh doanh.